Lãnh đạo các nước Đông Nam Á tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei sáng nay. Ảnh: AFP |
10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng trải qua giai đoạn bất đồng ý kiến hồi năm ngoái về việc xử lý các tranh chấp trên biển với Trung Quốc và lần này các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận tại Brunei để xây dựng lại sự thống nhất.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp cấp cao hôm nay cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN mong muốn "nhanh chóng xúc tiến Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)" với Trung Quốc, nhằm giải quyết những căng thẳng trong vùng nước chiến lược của khu vực.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết sau cuộc gặp đầu tiên tối qua, rằng các nhà lãnh đạo đã thống nhất tìm tiếng nói chung về vấn đề nóng này.
"Mọi người đều mong muốn có một giải pháp hòa bình và cũng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng căng thẳng", AFP dẫn lời ông Aquino nói.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với phần lớn Biển Đông, trong khi các thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền tại các vùng nước ở đây. Những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong hàng thập kỷ qua khiến vùng biển này trở thành khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự cao của châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình trên biển.
Năm ngoái, các tàu Trung Quốc và Philippines có vụ chạm mặt tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, khơi mào căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Tháng trước, các tàu hải quân Trung Quốc được cho là đi vào vùng nước cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km.
Khối ASEAN hoạt động trên tinh thần đồng thuận trong suốt hơn 40 năm tồn tại. Năm ngoái, bất đồng xuất hiện trong cuộc họp cấp cao tại Campuchia, khiến ASEAN lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung.
Ông Aquino hôm qua cho biết ông rất vui mừng vì Brunei, nước chủ tịch ASEAN năm nay, đã đưa vấn đề Biển Đông trở thành nội dung trọng tâm của cuộc họp tuần này và cả những cuộc họp khác trong năm.
"Chúng ta nên vui mừng vì toàn thể khối ASEAN đã sẵn sàng thảo luận về vấn đề này thay vì đưa nó ra bên lề", ông Aqiuno nói, mặc dù cho biết có thể có nước sẽ đưa ra ý kiến không đồng tình.
Philippines và Việt Nam tích cực vận động ASEAN thúc đẩy quá trình đàm phán với Trung Quốc để tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã được chờ đợi lâu nay. Trung Quốc thể hiện muốn thảo luận riêng rẽ với từng quốc gia hơn là với cả khối ASEAN.
Các nhà ngoại giao Đông Nam Á ở Brunei cho biết họ không hy vọng quá trình thương thảo về Bộ Quy tắc sẽ diễn ra nhanh chóng, dù bản tuyên bố về quy tắc (DOA) được đưa ra từ năm 2002.
Tuy nhiên, hôm qua Aquino cho biết ông đặc biệt vui mừng vì ít nhất hiện nay khối ASEAN cũng đang nỗ lực để đảm bảo tranh chấp không trở nên khốc liệt hơn. "Như vậy là có sự thống nhất về mục tiêu và do đó có quyền hy vọng điều đó sẽ dẫn tới một số hành động cụ thể hơn", ông nói.
Một vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được đưa ra trong kỳ họp lần này là việc liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong nội bộ khối ASEAN cũng như khối ASEAN với các nước trong khu vực.
ASEAN mong muốn thiết lập một thị trường chung cho 10 nước Đông Nam Á với 600 triệu dân, có tên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), vào năm 2015. Đây là một nội dung quan trọng hàng đầu tại hội nghị ở Brunei tuần này bên cạnh vấn đề Biển Đông.
Hơn ba phần tư của "kế hoạch chi tiết" cho AEC đã được thống nhất, tuy nhiên các bên đàm phán cho biết những vấn đề khó khăn nhất chưa được bàn thảo. Các nhà phân tích dự đoán mục tiêu năm 2015 khó trở thành hiện thực.
Vũ Hà