Sau ba tháng thực hiện "ba tại chỗ" với khoảng 20% nhân lực bộ phận sản xuất, Asanzo hiện có 50-60% nhân viên trở lại công ty, trong khi phần còn lại tiếp tục làm việc từ xa. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết, bắt đầu từ 1/10 TP HCM mở cửa trở lại, công ty ưu tiên lao động tiêm đủ hai mũi vaccine, ở vùng xanh đi làm trực tiếp. Ngoài ra, Asanzo tiếp tục thực hiện 5K và chuẩn bị các kit test nhanh để phục vụ việc di chuyển cho nhóm văn phòng.
Dù vậy, nhận định nguy cơ dịch bệnh ở TP HCM vẫn tiềm ẩn, ông Tam chỉ yêu cầu bộ phận sản xuất, bảo hành và sửa chữa làm việc tại nhà máy. Khoảng 20% khối văn phòng cũng đi làm trực tiếp để đảm bảo một số thủ tục cho công ty. Trong khi đó, nhóm quản lý, bán hàng, chăm sóc khách hàng duy trì làm từ xa. "Sau những đợt dịch vừa rồi, gần như ai cũng ngại đi làm trực tiếp", ông Tam nói.
![Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo. Ảnh: Asanzo.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/10/26/KNGL9961-3542-1635220943.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fwnh1lGgqb4lPYKfRSopDQ)
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo. Ảnh: Asanzo.
Lãnh đạo Asanzo nhận định mô hình Hybrid Workplace (mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng) khiến đội ngũ nhân sự phải tự thay đổi để thích nghi. Họ trở nên tự giác, làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Nếu trước đây công ty phải kiểm soát nhân sự bằng thời gian thì giờ chuyển sang quản lý bằng đầu việc, doanh số, doanh thu hoặc sự hài lòng của khách hàng. Hiện, toàn bộ nhân viên tại chi nhánh Hà Nội đã đi làm fulltime.
Về phía chi nhánh TP HCM, ông Tam cho biết nếu sang tháng 11, tình hình dịch bệnh ổn định và cơ quan nhà nước có quy định cụ thể thì công ty mới cho nhân viên làm fulltime. Tuy nhiên, 10% công nhân Asanzo hiện rời thành phố về quê, trong khi doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất. "Thành phố hết giãn cách là niềm vui của doanh nghiệp nhưng người lao động lại bỏ về quê, điều này đi ngược lại suy nghĩ của mình", ông Tam nói và nhận định, khi người lao động được hỗ trợ trong mùa dịch, họ mới yên tâm ở lại làm việc.
Để giữ chân người lao động, ngay những ngày đầu TP HCM giãn cách, Asanzo đã đăng ký với khu công nghiệp nhằm đảm bảo công nhân được tiêm đủ hai mũi vaccine. Bên cạnh những đợt hỗ trợ lương thực thực phẩm và trợ cấp 1,5 triệu đồng từ thành phố, công nhân còn được công ty hỗ trợ tiền sinh hoạt. Asanzo cũng đóng bảo hiểm đầy đủ cho nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lập quỹ để hỗ trợ những người mắc bệnh. "Rất may trong thời gian vừa rồi, công ty không có nhân viên nào mắc Covid-19", ông Tam nói.
![Nhà máy Asanzo, tháng 3/2020. Ảnh: Hữu Khoa.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/10/26/Asanzo-KCN-Vinh-Loc-PV-anh-Huu-4942-4454-1635220943.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RnEKiySpr1G2OSmSBl7q7g)
Nhà máy Asanzo, tháng 3/2020. Ảnh: Hữu Khoa.
Tuy nhiên, từ "làn sóng" lao động hồi hương, ông Tam rút kinh nghiệm doanh nghiệp cần phải tối ưu tự động hóa, tránh phụ thuộc sản xuất vào nhân sự. Công nhân thường làm việc theo cảm tính, không chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự để tìm hiểu, lấy lòng họ, ông Tam nhận xét.
Hiện, Asanzo định hướng chuyển đổi số về mặt quản trị và tự động hóa một phần trong sản xuất. Ông Tam cho biết, công ty "số hóa" gần như 100% quản lý bằng phần mềm và áp dụng tự động hóa khoảng 20% với một số khâu sản xuất. Di chuyển hàng hóa trong kho không dùng con người nữa mà thay bằng băng chuyền tự động. Đóng gói sản phẩm hoàn toàn tự động hóa trong khi trước kia cần 2-3 người đóng gói kiện hàng. Công nhân kiểm soát sản phẩm bằng mã vạch sau đó đưa lên dữ liệu của công ty để theo dõi, quản lý. Với một số chi tiết sản xuất như vít ốc, công ty sử dụng robot thay thế lao động chân tay.
Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất khiến quy trình nhanh gọn và đỡ tốn kém nhân lực. Điều này giúp doanh nghiệp tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất. "Công nghệ đóng vai trò sống còn đối với doanh nghiệp trong thời đại mới", ông Tam nói. Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử điện lạnh, Asanzo sẽ cải tổ từ từ và vẫn tạo công ăn việc làm cho những nhân viên gắn bó lâu năm với công ty vì đầu tư một dây chuyền tự động toàn diện rất tốn kém, cần thời gian chuyển đổi. Trong tương lai, khi công ty mở rộng thị trường ra nước ngoài, ông Tam mong muốn khâu sản xuất sẽ đạt được mục tiêu 80% tự động hóa.
Với ông chủ Asanzo, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi, không theo lối mòn truyền thống. "Lúc này, dù tình hình khó khăn và doanh số bị sụt giảm, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt thời cuộc và thay đổi cách làm, điều này có thể rất tích cực. Chúng ta sẽ bứt phá lên khi kinh tế mở cửa", ông Tam tin tưởng.
Châu Vũ