Tập đoàn điện tử Asanzo vừa công bố kế hoạch tái cấu trúc toàn diện và hướng tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2021. Mục tiêu là phục vụ kế hoạch xây dựng doanh nghiệp thành mô hình tập đoàn công nghệ đa ngành, mở rộng sản xuất trong tương lai. Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo chia sẻ về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với VnExpress.
- Giữa lúc Asanzo đạt doanh thu tăng trưởng đều, công suất ổn định một triệu sản phẩm mỗi năm, tại sao ông muốn IPO?
- 5 năm trước tôi khởi nghiệp với vốn tự có và phát triển dần với sự hỗ trợ của các ngân hàng. Tuy nhiên mức vay hiện tại chỉ đáp ứng 50% dòng tiền hàng tháng trong tương lai, không đủ cho nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất của Asanzo.
Trong khi đó các tập đoàn nước ngoài sản xuất linh kiện cho chúng tôi ngỏ ý đầu tư vào Việt Nam. Tranh thủ cơ hội này, tôi cho rằng IPO là phương án khả thi và hợp lý.
Quan trọng hơn, tôi muốn lấy IPO làm bước đệm để công khai, minh bạch hoạt động doanh nghiệp, gia tăng sức ảnh hưởng và uy tín của Asanzo trong và ngoài nước.
- Vậy lộ trình IPO sẽ diễn ra như thế nào?
- Tôi chọn mốc thời gian 2021 để chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự kiến chiếm 30-40% tổng lượng cổ phần doanh nghiệp. Ở mỗi lần huy động vốn, tôi gọi khoảng 300-500 tỷ đồng, phục vụ mở rộng sản xuất theo từng giai đoạn, không ồ ạt. Sau IPO, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lên sàn chứng khoán.
Trong ba năm tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện bộ máy hoạt động, giấy tờ sổ sách, công nghệ, nhân sự chuyên về tài chính... để chuẩn bị cho công tác huy động vốn. Ngoài ra cũng sẽ có các buổi roadshow tiếp xúc nhà đầu tư tiềm năng để chủ động tranh thủ sự quan tâm của họ.
Quan trọng nhất là phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Từ một doanh nghiệp khởi nghiệp mang yếu tố gia đình, chúng tôi phải trở thành một tập đoàn quy mô lớn, hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp.
- Chuyển đổi mô hình hoạt động cụ thể là thay đổi những gì thưa ông?
- Trước hết là thay đổi ý thức, tâm lý của chính tôi và anh em đội ngũ. Trước đây sản phẩm làm ra có gặp vấn đề như thế nào cũng chỉ ảnh hưởng đến nội bộ doanh nghiệp và vốn liếng của riêng tôi. Nhưng khi có cổ đông, tôi phải chịu trách nhiệm lớn hơn, cẩn trọng hơn khi sử dụng đồng vốn của họ. Trách nhiệm đó sẽ nặng nề.
Những thủ trưởng đơn vị cấp dưới phải có trách nhiệm với sản phẩm, ý thức về việc đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo đuổi chiến lược hoạt động của doanh nghiệp.
Mặt khác, tôi cũng phải chuyển giao dần công việc của mình sang cho những bộ phận chuyên môn, không thể tự xắn tay áo làm hết tất thảy mọi việc như trước. Asanzo cần là một tập đoàn đa ngành, quy mô lớn, chuyên nghiệp trong từng khâu hoạt động.
Ở khía cạnh sổ sách, tôi không lo lắng vì ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi chi hàng trăm triệu đồng mua phần mềm quản lý chuyên sâu để minh bạch hóa mọi số liệu từ đầu. Để khi mở rộng sản xuất, bộ máy công nghệ quản trị doanh nghiệp phải song hành tương ứng.
- Asanzo sẽ sử dụng nguồn vốn IPO vào những việc gì?
- Trước hết là nâng công suất nhà máy, mở rộng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Xa hơn, tôi muốn nâng tầm ngành điện tử Việt Nam bằng cách đưa các doanh nghiệp ngoại vào đặt nhà máy tại đây, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ và thu hút FDI.
Tôi sẽ xây dựng một khu công nghiệp diện tích tối thiểu 100ha dành riêng cho ngành điện tử. Đây sẽ là đại bản doanh của Asanzo với tất cả dây chuyền sản xuất các ngành nghề, ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất bao bì, khuôn mẫu, linh kiện... đều sẽ hoạt động tập trung. Việc này trước hết có lợi cho Asanzo, sau đó phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
- Tại sao ông muốn xây dựng thêm một khu công nghiệp nữa, dành riêng cho ngành điện tử trong khi cả nước hiện đã có hàng trăm khu công nghiệp đi vào hoạt động?
- Khu công nghiệp có nhiều nhưng chưa có cơ sở nào xây dựng chuyên cho ngành điện tử. Bản thân chúng tôi từng có nhiều kinh nghiệm đi thuê công xưởng và gặp nhiều khó khăn. Các khu công nghiệp hiện tại đa phần chọn hướng đi an toàn, chỉ cung cấp nhà máy như nhà kho, không cho ngành này thuê được thì ngành khác. Doanh nghiệp điện tử hay lúa gạo đều có thể vào. Đó là một trở ngại rất lớn.
Ngành điện tử có một đặc thù cần có những quy chuẩn sản xuất khắt khe, từ nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí cho đến các yếu tố đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường... Chẳng hạn một nhà máy sản xuất tivi cần nghiên cứu kỹ phương án cách nhiệt cho nhà máy, bảo vệ máy móc, linh kiện. Trong quá trình sản xuất, hóa chất thải ra cũng cần xử lý, tránh tác động đến môi trường. Khu công nghiệp dành riêng cho ngành điện tử của tôi sẽ đáp ứng tất cả những quy chuẩn đó.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho Asanzo ngỏ ý muốn tìm cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Chi phí sản xuất tại các nước châu Á đang tăng dần, điều đó tạo ra cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam.
- Ông hình dung Asanzo sẽ là một tập đoàn có vị thế như thế nào sau IPO?
- Asanzo sẽ phải là một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng... Những sản phẩm công nghệ mới dự kiến chiếm tỷ lệ 30% trong tổng công suất, thay vì chỉ 10% như hiện nay.
Hiện tại, tổng công suất tối đa của nhà máy đạt 4 triệu sản phẩm một năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước. Trong tương lai, nhà máy phải đạt công suất 10 triệu sản phẩm một năm, trong đó có 3,5 triệu sản phẩm tại Việt Nam và phần còn lại xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào...
Với khu công nghiệp, tôi kỳ vọng thu hút 10-20 công ty, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp linh kiện từ châu Á, châu Âu, doanh nghiệp trong ngành phụ trợ phục vụ sản xuất điện tử.
Trong năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng sau khi đã ghi nhận kết quả vượt mức mong đợi trong năm 2017 với doanh thu 4.620 tỷ đồng.
Khánh Anh