Ngày 7/5/2006, SVĐ Highbury chứng kiến trận đấu giữa Arsenal và Wigan. Gần 40.000 chỗ ngồi được bao phủ một màu đỏ trắng. Trong tiếng reo hò không ngớt, Thierry Henry lập hat-trick, giúp Arsenal thắng 4-2. Tan trận, tiền đạo người Pháp quỳ xuống, hôn lên mặt cỏ của sân bóng. Đó là trận đấu cuối cùng của sân bóng lừng danh này, trước khi Arsenal chuyển sang "nhà mới" Emirates. Phút giây lặng người ấy báo hiệu những năm tháng giông tố đến với họ trong thập kỷ tiếp theo.
Nếu bảo người hâm mộ Arsenal không nhớ sân bóng nhỏ bé ấy, thì chẳng khác gì bảo người Anh không nhớ về thời đại "mặt trời chưa bao giờ lặn sau lưng đế quốc Anh". Bởi sân bóng ấy là chứng nhân cho giai đoạn thành công rực rỡ nhất của "Pháo Thủ" - những năm tháng họ sống trong vinh quang và niềm tự hào ngập trên ánh mắt, là nơi chứng kiến 114 bàn thắng của “đứa con thần gió” Henry, là nơi in dấu chân của 49 trận đấu bất bại trong nụ cười của bộ ba Patrick Vieira, Robert Pires và Henry.
Để rồi khi chuyển sang sân vận động đẹp hơn, hào nhoáng hơn, thì vinh quang cứ rời xa tầm tay của họ. Việc phải trả nợ tiền sân vận động lên tới 37 triệu đôla mỗi năm khiến HLV Wenger khó khăn trong việc chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng, buộc ông phải tập trung vào đào tạo những cầu thủ trẻ. Thực tế ấy khiến Arsenal không còn đủ lực đua tranh ngôi vô địch. Suốt tám năm, Wenger lặng lẽ và cam chịu, cứ như người hùng sa cơ trong thế giới đảo điên của sức mạnh kim tiền.
Tháng 6/2007, học trò vĩ đại của Wenger, Henry sang Barca. Tháng 5/2008, Flamini và Alexander Hleb tạm biệt Emirates. Tháng 8/2009, Emmanuel Adebayor rời Arsenal. Đến năm 2011, cả Fabregas lẫn Nasri, Clichy đi cùng lúc. Một năm sau đến lượt Robin van Persie và Alexandre Song. Wenger đã xây dựng Arsenal của ngày hôm nay với gần hai thập kỷ đủ mọi vinh quang và cay đắng. Nhưng những gì ông có chỉ là khóe mắt nhăn nheo vào mỗi mùa hè đến, khi bất lực nhìn những đứa trẻ do ông nhào nặn cứ lần lượt ra đi để kiếm tìm danh vọng, còn tóc ông thì bạc mãi. Đôi khi, người hâm mộ nhìn vào Wenger và không khỏi lắc đầu, nghĩ rằng, con người muôn năm cũ này là nỗi bất công của bóng đá hiện đại.
Cho đến một ngày tháng 8/2013, Arsenal đem về Mesut Ozil. Bản hợp đồng trị giá 66 triệu đôla đến từ Real tạo nên một hiệu ứng cực lớn lên các CĐV và cầu thủ. Đó là lần đầu tiên sau năm năm, Arsenal vung tiền mua cầu thủ, và đó lại là cầu thủ lớn, với giá rất cao. Sức bật từ tiền vệ người Đức lập tức phát huy tác dụng, Arsenal đứng đầu bảng trong 18 vòng đầu tiên, đoạt Cup FA về cuối mùa, chấm dứt chín năm trắng tay.
Tháng 7/2014, Arsenal có được Alexis Sanchez từ Barca, sự bùng nổ của tiền đạo người Chile giúp Arsenal cán đích ở vị trí thứ ba, đồng thời bảo vệ thành công Cup FA. Tháng 6/2015, tin vui đến với cổ động viên của pháo thủ khi Peter Cech đồng ý chuyển đến Arsenal, thủ môn người CH Czech là một nhà vô địch, một mảnh ghép còn thiếu cho một Arsenal đã đi qua thời kỳ non trẻ và đang khát khao khẳng định. Trong trận tranh Siêu Cup vừa qua, Arsenal lột xác thành kẻ lì lợm với một Peter Cech chắc chắn ở tuyến sau, giúp Wenger chấm dứt chuỗi 13 trận chỉ biết hòa và thua trước Jose Mourinho. Nhưng để nở nụ cười chiến thắng hôm đó, người đàn ông Pháp này đã đi qua bao nhiêu tiếng chế giễu và đau khổ.
Các học trò của Wenger dường như cũng được tiếp lửa từ ông thầy. Cái cách mà Ozil đã đứng dậy sau vấp ngã, cái cách mà Ramsey bùng nổ sau một chấn thương tưởng như khiến anh lìa xa sân cỏ, giống hệt cách Wenger ngoan cường đứng đó trước phong ba để có ngày đoạt được ba danh hiệu trong vòng hai năm liên tiếp. Arsenal của ngày hôm nay đã bớt ngây thơ, đủ sức khiến các nhà cái phải phân vân trong việc đặt lại tỷ lệ cược cho ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, khi chứng kiến cách họ hạ Chelsea ở trận tranh Siêu Cup.
Có một sự khác biệt lớn lao để đưa đến Arsenal đến với hình ảnh một đội bóng lạnh lùng, nguy hiểm như hiện tại. Trong tám năm trắng tay, Wenger thường xuyên phải bán cầu thủ. Đó giống như chuyện bạn vận hành một cái động cơ, khi nó đang bắt đầu vào nhịp, Wenger bỗng nhiên tháo một cái bánh răng ra, khiến động cơ trật gãy, và lại phải vận hành từ đầu. Đó là nguyên nhân cho sự chệch choạc của tám năm ấy.
Nhưng trong ba mùa hè chuyển nhượng, từ 2013 đến 2015, Wenger không còn bán cầu thủ trụ cột nữa, ông chỉ đem về những bản hợp đồng quan trọng, đẩy đi những người không còn cần thiết. Điều này giúp “Giáo sư” có được một bộ khung ổn định với các cầu thủ đã đá với nhau từ lâu. Độ tuổi trung bình của Arsenal bây giờ là 26,6. Đây là độ tuổi vừa có sự bùng nổ của sức trẻ, vừa đầy kinh nghiệm chinh chiến.
Emirates suốt 8 năm qua chưa bao giờ thiếu hy vọng, nhưng hy vọng khác với lạc quan tếu. Hy vọng chỉ có được trên cơ sở của một nền tảng mạnh mẽ và trái tim dũng cảm. Hôm nay, Arsenal cuối cùng cũng đã mang hình hài ấy. 10 năm kể từ ngày chia xa sân Highbury, có lẽ chưa bao giờ hàng triệu Gunners có được cảm giác rạo rực như bây giờ.
Dũng Phan