Hàng trăm ôtô chất đầy hành lý đang di chuyển dọc hành lang Lachin để rời Nagorno-Karabakh về Armenia. Chính phủ Armenia cho biết tính tới 8h ngày 26/9, nước này đã tiếp nhận 13.350 người đến từ Nagorno-Karabakh.
Khi tới thị trấn biên giới Goris ở Armenia Petya Grigoryan, tài xế 69 tuổi, kể lại rằng ông đã đem theo mọi thứ có thể và rời khỏi khu vực vì không còn nơi nào để đi.
AFP hôm 25/9 mô tả những người di cư chen chúc trong một trung tâm nhân đạo được lập ở nhà hát thành phố Goris để đăng ký phương tiện đi lại và nhà ở sau khi tới Armenia.
"Chúng tôi đã trải qua những ngày khủng khiếp", Anabel Ghulasyan, 41 tuổi, nói, thêm rằng cô cùng gia đình rời Nagorno-Karabakh bằng xe buýt.
Khi dòng người ồ ạt rời Nagorno-Karabakh, các trạm nhiên liệu ở đây rơi vào cảnh hỗn loạn. Đêm 25/9, một kho xăng ở thành phố Stepanakert, thủ phủ Nagorno-Karabakh, phát nổ trong lúc hàng trăm người đang xếp hàng chờ nhận xăng. Vụ nổ khiến ít nhất 20 người chết và 290 người bị thương.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power kêu gọi Azerbaijan duy trì lệnh ngừng bắn và thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ quyền của dân thường ở Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabak đã trở thành điểm nóng xung đột suốt ba thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Ngày 19/9, quân đội Azerbaijan bất ngờ mở chiến dịch "chống khủng bố", tấn công phe ly khai ở Nagorno-Karabakh và nhanh chóng chiếm được các vị trí chiến lược. Một ngày sau, phe ly khai chấp nhận buông vũ khí, giải tán lực lượng, đàm phán tái hòa nhập khu vực này vào Azerbaijan.
Khi chính quyền ly khai đầu hàng, 120.000 dân gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh sống trong cảnh hoang mang, bế tắc. Phe ly khai nói rằng người gốc Armenia không muốn sống như một phần của Azerbaijan vì lo sợ bị "đàn áp và thanh lọc sắc tộc". Người Armenia chủ yếu theo Kito giáo trong khi Azerbaijian là quốc gia có đa số người dân theo Hồi giáo.
Trong khi đó, Azerbaijan nhấn mạnh họ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân ở Nagorno-Karabakh sau khi tái hòa nhập. Azerbaijan cũng bác cáo buộc "thanh lọc sắc tộc".
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)