Thứ bảy, 23/6/2018, 11:53 (GMT+7)

Argentina và bi kịch sống mòn cùng  Messi

Argentina thua tan nát và một lần nữa Messi lại xuất hiện trên các bìa báo như vật tế thần, dù trước giờ bóng lăn anh luôn là niềm hy vọng số một. 

Khuôn mặt ủ dột của Messi và các đồng đội sau khi thảm bại 0-3 gặp Croatia. 

Thảm bại dưới tay Croatia phơi bày tất cả những vấn đề của Argentina tại World Cup 2018. Và dù có thể lách mình qua khe cửa hẹp để đi tiếp, họ có lẽ vẫn bị gạch tên khỏi danh sách ứng viên vô địch. Khi một tập thể đã trao hết vận mệnh vào đôi chân của một con người, thì đấy không còn là một tập thể mạnh.

Trước Croatia, HLV Jorge Sampaoli đã có những thay đổi. Thay vì để Messi đứng xa khung thành và phải làm quá nhiều việc như trận hòa Iceland, ông kéo anh lên đá tiền đạo. Kết quả thậm chí còn thê thảm hơn. Nếu ở trận trước, Messi không biết chuyền cho ai, thì ở trận đấu này, không ai có thể chuyền cho Messi. Cả trận đấu, anh chạm bóng 49 lần, trong đó chỉ sáu lần ở một phần tư cuối sân đối phương. 

Thật kỳ quái khi một trong những đội bóng giàu thành tích nhất trong lịch sử World Cup lại phụ thuộc nhiều đến thế vào một cá nhân. Họ dũng cảm gạt bỏ Mauro Icardi – trung phong hàng đầu ở Serie A mùa vừa qua, nhưng các ngôi sao còn lại vẫn chưa thể chứng tỏ họ xứng đáng được đến Nga. 

Argentina 0-3 Croatia
 
 

Đầu năm nay, khi trả lời phỏng vấn, Paulo Dybala có nói một câu then chốt: "Messi đơn giản là quá giỏi". Vì có một đồng đội như thế nên Dybala cảm thấy... khớp và mỗi khi có bóng, bất giác từ trong vô thức anh chỉ muốn chuyền thật nhanh đến Messi. Ở cấp độ CLB, các cầu thủ còn có thời gian làm quen và thích nghi. Ở đội tuyển, việc ấy rất khó khăn dù “chuyền cho Messi” đã trở thành khẩu quyết của đội tuyển Argentina cả chục năm qua.

HLV Jorge Sampaoli từng được ngợi khen với những cách tân về chiến thuật khi còn cầm quân ở Chile. Nhưng bây giờ, ông cũng chỉ loay hoay với duy nhất một câu hỏi: làm cách nào để phát huy hết giá trị của Messi. Dù là 2-3-3-2 hay 4-4-1-1, tất cả đều vận hành quanh Messi. Ông đặt Messi vào trước, rồi mới bắt đầu chọn những vệ tinh quanh anh. 

Trước Croatia, Messi được đẩy lên cao hơn, đá tiền đạo, nhưng anh gần như vô hại vì không có người tiếp bóng. 

Nhưng về con người, Argentina thừa thì rất thừa, nhưng thiếu lại rất thiếu. Messi ở dưới thì không ai dứt điểm, Messi lên trên lại chẳng ai chuyền. Đá tấn công thì Messi bị khóa chặt, đá phản công thì không còn người để pressing. Argentina, vì thế, vừa đá vừa sửa, sửa từ vòng loại cho đến vòng chung kết World Cup. Sửa từ hòa Iceland 1-1 thành thua Croatia 0-3 và chuẩn bị thấy giấc mơ đoạt Cup vàng tiêu tan ngay từ vòng bảng.

Trước giải, Messi bảo anh bỏ ngỏ khả năng dự một World Cup nữa. Bốn năm sau ở Qatar, anh sẽ 35 tuổi. Nhưng câu chuyện liệu sẽ khác gì những năm qua, khi Argentina không còn là Argentina nữa mà đã trở thành đội tuyển của Messi và những người bạn. 

Bồ Đào Nha cũng phụ thuộc vào Cristiano Ronaldo rất nhiều, nhưng đấy là một sự phụ thuộc tích cực, một sự phụ thuộc rất khác. Sự khác biệt ấy đến từ tự thân mỗi cầu thủ. Ronaldo thoải mái sống trong áp lực. Áp lực càng lớn, anh càng đạt đến trạng thái tĩnh tâm gần với bản chất của thiền. Lấy quả đá phạt ở phút chót trận đấu với Tây Ban Nha làm ví dụ. Quả sút phạt ấy mà hỏng, Bồ Đào Nha chắc chắn sẽ thất bại. Điểm đá phạt cũng quá gần so với cự ly ưa thích của Ronaldo. Nhưng mặc kệ những bất lợi ấy, anh vẫn lùi xuống rất điệu, kéo quần lên khoe đùi, hút hết ánh sáng về mình, hít hai hơi thật sâu, chạy đà và… bùm, bóng nằm gọn gàng trong lưới!

Một ngày sau đó, Messi cùng Argentina đấu Iceland. Đứng trước chấm phạt đền, anh sút không hiểm và bị thủ thành Iceland đỡ được. Những quả sút phạt trực tiếp sau đó, cự ly tốt hơn, cơ hội sút cũng nhiều hơn, Messi đều hỏng. Người hâm mộ có cớ châm chọc: khi Ronaldo ba lần hạ thủ môn hay nhất thế giới là David de Gea, thì Messi bất lực trước một… nhà đạo diễn phim trong khung thành.

Lên chơi ở tuyển Argentina, Messi không có sự tĩnh tâm cần thiết như cách Ronaldo đang có ở Bồ Đào Nha. 

Nhưng vấn đề không phải nằm ở việc De Gea hay Hannes Halldorsson đứng trong khung thành, mà là tâm lý của Messi và Ronaldo khi đứng trước những giây phút sinh tử. Ronaldo sút hỏng, không sao cả. Messi sút hỏng, anh thành vật tế thần cho cả quốc gia. Ronaldo rất hay cười, cười khi bước vào sân, cười với trọng tài, với đồng đội, cười sau một tình huống… vấp cỏ nhưng không được thổi phạt. Còn Messi, trông anh lúc nào cũng căng thẳng tại World Cup lần này.

Ronaldo bao nhiêu năm qua không thay đổi diện mạo, vẫn mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Còn Messi càng lúc càng nhiều hình xăm, râu ria ngày càng xồm xoàm như để che giấu một việc: anh không có bản năng lãnh đạo và không thích lãnh đạo. Messi sinh ra là để chơi bóng. Nhưng ở Argentina, được chơi bóng là một điều xa xỉ với anh.

Nếu toàn bộ tập thể Bồ Đào Nha làm mọi cách để đưa Ronaldo vào tư thế có thể dứt điểm, thì ở Argentina, người ta cố đưa quả bóng đến chân Messi càng nhanh càng tốt và… cầu nguyện. Argentina xem Messi như Chúa. Mà Messi quả thực là vị Chúa, đang mang vác chiếc thập giá mang tên kỳ vọng. Với Messi, người Argentina vừa yêu vừa hận. Lấy Diego Maradona làm ví dụ. Trước trận, ông ôm chiếc áo số 10 của Messi lên và… hôn, rõ tình cảm. Sau trận đấu, ông bảo: “Messi nên ngưng chụp hình với con dê đi, cứ phải vô địch World Cup đã thì mới nghĩ đến chuyện làm GOAT (con dê trong tiếng Anh, cũng là viết tắt của chữ Greatest of all time - Hay nhất mọi thời đại).”

Người Argentina luôn nhìn về Mexico 1986 cách đây 32 năm, để mong có một thiên tài cứu rỗi họ. Nhưng Argentina 1986 là một tập thể mạnh, với Maradona là một lãnh đạo xuất chúng. Còn Argentina của những năm lạc lối vừa qua thậm chí còn không phải là một tập thể. Đấy chỉ là một nhóm gồm những con người đơn lẻ đã suy tôn Messi lên làm Thánh sống.

Nhà làm phim Lucrecia Martel người Argentina nói: "Mỗi khi không ngủ được, tôi lên xem lại những bàn thắng của Messi trên Youtube. Thế là tôi yên bình, thế là tôi khôi phục niềm tin". Jorge Valdano, người đá cặp với Maradona ở Mexico 1986, thì nói: "Nếu Maradona là thiên tài cuối cùng của thế kỷ 20 thì Messi là thiên tài đầu tiên của thế kỷ 21".

Các đồng đội thì nói gì về Messi? Javier Mascherano nói: “Anh ấy làm những việc mà ở những đội khác phải cần đến ba người. Anh ấy tạo dựng lối chơi, kiến tạo và ghi bàn cùng lúc”. Marcos Rojo thì khẳng định: “Những lúc khó khăn, chúng tôi đều chuyền cho Messi. Những lúc thuận lợi, chúng tôi cũng muốn chuyền cho anh ấy”. Còn HLV Jorge Sampaoli, sau thất bại nặng nề của đội nhà, thì bảo: “Argentina như một đám mây mù, che mất tài năng của Messi”.

Trong lúc các đội khác cố hết sức để giảm áp lực cho ngôi sao của họ, thì chính những người trong nội bộ Argentina làm tăng áp lực ấy lên. 

CĐV Argentina thất vọng sau trận thua 0-3 trước Croatia
 
 
CĐV Argentina ở Buenos Aires khóc ròng khi đội nhà thảm bại dưới tay Croatia. 

Truyền thông Anh có một từ rất hay: Maradonise (Maradona hóa). Người Argentina cứ Maradona hóa Messi, vì mong Messi sẽ làm được những gì Maradona từng làm được trong màu áo đội tuyển. Nhưng bóng đá của hôm nay và ba chục năm trước đã khác, và Messi cũng là một cá tính hoàn toàn khác với Maradona.

Nữ nhà báo Marcela Mora y Araujo cho biết bạn thân nhất của Messi khi lên đội tuyển là chiếc điện thoại. Anh hay ngồi riêng, và cúi đầu nhìn vào màn hình. Có khi anh chẳng có gì để xem, chẳng qua muốn tránh việc giao tiếp với mọi người mà thôi. Khi Messi cúi đầu, ta biết anh đang treo tấm biển “Vui lòng đừng làm phiền” trước mặt. Messi là một con người hướng nội, nhưng tấm băng thủ quân Argentina ép anh phải hướng ngoại. Trả lời phỏng vấn báo chí, bước ra sân đầu tiên, phải làm những thủ tục trước trận là những điều Messi cực kỳ không thích.

Sống Messi, chết bởi Messi. Đấy là câu chuyện muôn thuở của Argentina gần một thập kỷ qua. Cứ đến giải lớn là họ lại ném cho Messi một tấn kỳ vọng, tôn anh làm Chúa. Rồi đến cuối giải, họ rủa xả anh là tên vong quốc. Ngày Messi tuyệt vọng cùng cực và xin rút khỏi đội tuyển Argentina, cả quốc gia này gào thét mong anh trở lại. Họ đâu còn gì để bám víu ngoài anh. Và họ cũng không tìm ra vật tế thần nào yêu thích hơn, ngoài anh. Ở trận thua vừa qua, thủ môn Argentina, Willy Caballero mắc sai lầm chết người để Ante Rebic ghi bàn mở tỷ số cho Croatia. Nhưng có ai dọa giết hay chỉ trích Caballero đâu? Trên tất cả mặt báo chỉ là hình ảnh Messi cúi gầm mặt.

Sự nghiệp của Messi lẽ ra đã có thể viên mãn, nếu như anh sinh ra ở một nơi khác. Nhưng đâu ai chọn chỗ sinh ra, và mấy ai chống lại được số mệnh!

Hoài Thương