Mùa hè ở Argentina thường kéo dài từ tháng 12 tới tháng 2 và năm nay là mùa hè nóng nhất từng ghi nhận, theo Maximiliano Herrara, nhà khí hậu học chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu.
Argentina hồi tháng 2 ban cảnh báo nắng nóng ở một số tỉnh, trong bối cảnh những địa phương này trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ với nhiệt độ gần 40 độ C. Nhiệt độ ở Buenos Aires có lúc lên tới 38 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1952.
Tình hình tháng 3 cũng bất thường so với các năm trước. Cơ quan Khí tượng Argentina ghi nhận nhiệt độ 10 ngày đầu tháng 3 ở khu vực miền trung đất nước cao hơn 8-10 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1991-2020. Nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt tháng 3 cao nhất trong vòng 63 năm, chủ yếu ở miền bắc và miền trung đất nước.
"Trong lịch sử khí hậu ở Argentina chưa từng xảy ra hiện tượng tương tự ở quy mô này", Herrara nói.
Ông từng dự đoán "mùa hè nóng như thiêu đốt" ở Argentina do tác động của La Nina, hiện tượng khí hậu khiến mùa hè nóng và khô hơn, nhưng vẫn sốc trước thực tế xảy ra. "Nắng nóng kéo dài tới 5 tháng với cường độ khốc liệt vượt xa những gì tôi tưởng tượng", Herrara nói.
Tại các tỉnh nông nghiệp trọng điểm như Córdoba, Santa Fe và Bắc Buenos Aires, nắng nóng trở thành thảm họa với cây ngô và đỗ tương, theo nhà phân tích cây trồng Mickaël Attia.
"Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất 30 năm qua ở Argentina sẽ tác động lớn tới tổng sản lượng ngô và đỗ tương trên cả nước, dự kiến thấp hơn 20-30% so với năm ngoái", ông nói.
Tổ chức Khí hậu Thế giới dự báo xuất khẩu lúa mì của Argentina năm nay sẽ giảm 28% so với năm ngoái. Nông dân Argentina đối mặt khoản lỗ 14 tỷ USD, theo Julio Calzada, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Sàn giao dịch ngũ cốc Rosario.
Nhiều người lo ngại khủng hoảng nông nghiệp sẽ làm trầm trọng hơn khó khăn kinh tế mà đất nước đang đối mặt. Số liệu công bố trong tuần này cho thấy lạm phát Argentina lần đầu tiên trong 30 năm lên tới 100%, thuộc diện cao nhất thế giới.
Ngoài nắng nóng, Argentina còn bị cháy rừng ảnh hưởng. Hơn 100.000 hecta rừng bị thiêu rụi từ đầu năm tới nay ở đông bắc Argentina.
Các nhà khoa học cho rằng La Nina là nguyên nhân gây ra sóng nhiệt ở Argentina nhưng biến đổi khí hậu khiến những hiện tượng như vậy thêm nghiêm trọng.
Báo cáo hồi tháng 2 của sáng kiến Phân bổ Thời tiết Thế giới (WWA) cho thấy biến đổi khí hậu không phải nguyên nhân chính khiến khu vực miền trung của Nam Mỹ có lượng mưa thấp, nhưng lại là nguyên nhân khiến nhiệt độ trong khu vực cao hơn, ảnh hưởng tới nguồn nước và khiến hạn hán nghiêm trọng hơn.
Hồng Hạnh (Theo CNN/Reuters)