Ở tuổi 34, Lionel Messi vẫn khiến thế giới túc cầu phải dõi theo hầu như hàng tuần. Nhưng thời gian đang dần bắt kịp, và một ngày nào đó anh sẽ phải treo giày.
Viễn cảnh ấy không xa, khiến Argentina phải đẩy mạnh tìm kiếm những cầu thủ có thể khỏa lấp khoảng trống chủ nhân của bảy Quả Bóng Vàng để lại sau này.
Ngày 7/3, HLV Lionel Scaloni công bố danh sách tuyển Argentina đá hai trận cuối vòng loại World Cup 2022 - khu vực Nam Mỹ gặp Venezuela 26/3 và Ecuador 30/3. Các ngôi sao lớn nhất đều góp mặt, dù Argentina đã giành vé tới Qatar. Trong đó không thể thiếu đội trưởng Messi, Angel Di Maria - người ghi bàn duy nhất giúp Argentina hạ Brazil ở chung kết Copa America 2021, hay Emiliano Martinez - thủ môn hay nhất giải và liên tục được Messi ca ngợi.
Bên cạnh đó, Scaloni còn gây bất ngờ khi trao cơ hội lần đầu được triệu tập lên tuyển Argentina cho bảy cầu thủ trẻ, trong đó có Alejandro Garnacho, Nicolas Paz, Tiago Geralnik và Matias Soule - những người không chỉ chơi bóng ngoài Argentina, mà thậm chí còn được sinh ở cách xa quốc gia Nam Mỹ hàng nghìn km.
Sự xuất hiện của những gương mặt triển vọng này không phải ngẫu nhiên. Đây là kết quả của dự án tuyển trạch kéo dài nhiều năm qua được các cấp cao nhất của bóng đá Argentina phối hợp thực hiện.
Năm 2021, LĐBĐ Argentina (AFA) đã thành lập Ban tuyển trạch quốc tế, với người đứng đầu là Juan Martin Tassi - người có bằng tiến sĩ Khoa học Thể thao tại Đại học Extremadura ở Tây Ban Nha, và từng là HLV thể lực cho nhiều CLB hàng đầu Argentina.
Dưới sự chỉ đạo của Tassi, cùng với điều phối viên bộ phận trẻ Bernardo Romeo, ban tuyển trạch này đã xác định được không dưới 300 cầu thủ U20 ở châu Âu đủ điều kiện khoác áo tuyển Argentina. "Con số đó liên tục thay đổi", Tassi nói trong một cuộc phỏng vấn với Doble Amarilla. "Trong một tháng tới, con số đó có thể lên đến hơn 400 người".
Công việc hàng ngày của họ là tìm kiếm các ngôi sao trẻ tiềm năng ở châu Âu, lập bản đồ các CLB và khu vực có nhiều cái tên như vậy, xác định những người giàu triển vọng để vươn tới cấp độ cao nhất, và sau đó liên hệ với những cầu thủ này và CLB chủ quản để thuyết phục họ khoác áo tuyển Argentina. "Chúng tôi may mắn khi trong hầu hết các trường hợp, những cầu thủ trẻ này đều quan tâm và mong muốn trở thành một phần của tuyển Argentina", Tassi tiết lộ.
Alejandro Garnacho là một trong số đó. Tiền đạo 17 tuổi đánh dấu cột mốc lần đầu được triệu tập lên tuyển Argentina bằng pha độc diễn lập siêu phẩm giúp đội trẻ Man Utd hạ Wolves để vào chung kết FA Youth Cup hôm 9/3.
Garnacho sinh ra ở Madrid với cha là người Tây Ban Nha, mẹ là người Argentina. Năm 2020, anh gia nhập học viện Man Utd sau thời gian tỏa sáng ở Atletico. Garnacho - từng đá cho đội trẻ Tây Ban Nha - được đánh giá là tiền đạo chạy cánh trái giàu tốc độ, đá trực diện và dứt điểm tốt. Đây là lý do Argentina triệu tập Garnacho lên tuyển để sớm "trói buộc" cầu thủ 17 tuổi.
Những cầu thủ trẻ còn lại lần đầu được triệu tập cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Argentina, dù sinh ra và sống ở nước ngoài. Anh em Valentin và Franco Carboni, lần lượt 17 và 18 tuổi, hiện đá cho đội trẻ Inter. Họ là con trai của Ezequiel Carboni - người sinh ra tại Argentina và từng thi đấu cho Salzburg và Catania ở châu Âu.
Một cái tên khác là Paz, sinh ra tại Tenerife và hiện đầu quân cho đội trẻ Real Madrid. Bố của Paz, Pablo từng 14 lần khoác áo tuyển Argentina và dự World Cup 1998.
Cầu thủ nổi tiếng nhất trong nhóm bảy người lần đầu được triệu tập lên tuyển Argentina là Luka Romero - người cũng xuất thân từ gia đình có truyền thống bóng đá. Cha của Luka Romero, Diego Adrian Romero, 47 tuổi, là người Argentina và vẫn đang đá cho CLB hạng tư Tây Ban Nha UD Son Veri.
Romero thử việc tại Barca lúc bảy tuổi, nhưng sau đó ký hợp đồng với Mallorca. Anh gây tiếng vang khi đá trận ra mắt La Liga cho Mallorca khi mới 15 tuổi. Mùa này, Romero xuất hiện ở Serie A cùng Lazio, ở tuổi 17. Romero đủ điều kiện khoác áo cho cả tuyển Mexico, Argentina lẫn Tây Ban Nha. Nhưng tiền vệ công này chọn đất nước nơi cha mẹ sinh ra anh, khi từng đá cho đội U15 và U17 Argentina.
Trước khi trở thành bạn thân, Sergio Aguero từng thừa nhận không biết Messi là ai khi cả hai được triệu tập chuẩn bị cho U20 World Cup 2005. Nhưng khi ra sân tập luyện và thi đấu, Aguero đã thấy rõ tài năng của đồng đội. Messi giành Vua phá lưới với sáu bàn, góp công lớn giúp Argentina lần thứ năm đăng quang.
Nhưng việc Aguero không biết đồng đội là ai khó lặp lại ngày nay, bởi mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt trong 17 năm qua. Nhờ mạng xã hội và các nền tảng khác, việc tuyển trạch và nghiên cứu đã được cải thiện đáng kể. Một tuyển trạch viên có thể xem xét, chấm điểm hay thậm chí "xem giò" cầu thủ trẻ từ văn phòng làm việc, thay vì phải có mặt trực tiếp.
Việc tìm thấy và triệu tập những cầu thủ trẻ như Garnacho, Romero lên tuyển, ngay cả khi họ chưa thể lập tức thi đấu, mới là phần đầu tiên của dự án. Nhưng nó cho thấy sự quyết tâm của Argentina trong việc cạnh tranh với những nền bóng đá hàng đầu châu Âu.
Argentina cũng có lợi thế trong việc thuyết phục các ngôi sao trẻ, khi sở hữu Messi - một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, thần tượng của hàng triệu người trên thế giới. Nhiều cầu thủ trẻ, dù được sinh ra ở đâu, khó lòng bỏ qua cơ hội không chỉ tập luyện, sát cánh trên sân cùng Messi, mà còn thay thế chính anh ở tuyển Argentina một ngày nào đó.
Bầu không khí trên sân tập Argentina hai ngày qua cho thấy điều đó. Garnacho và các đồng đội cùng lứa luôn trầm trồ ngắm nhìn những pha xử lý điêu luyện của Messi. Trên tài khoản Instagram, chỉ trong ngày 23/3 - ngày đầu tiên toàn đội tập trung, Garnacho đăng tới bốn bức ảnh chụp có bản thân và siêu sao đàn anh trong khung hình.
Một trong bốn bức đó, tiền đạo trẻ của Man Utd bá vai và được Messi ôm. Garnacho viết "Giấc mơ thành hiện thực. Mãi yêu Thần tượng" kèm biểu tượng con dê (GOAT) với hàm ý "Cầu thủ hay nhất mọi thời".
Hồng Duy (theo Olé)