Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chật vật ghìm lạm phát. Với Argentina, vấn đề này càng nghiêm trọng, khi lạm phát nước này đã vượt 100% - cao nhất kể từ đầu thập niên 90. Hiện tại, Argentina cũng là nước có lạm phát cao thứ ba thế giới, chỉ sau Venezuela và Zimbabwe, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Vì thế, Ngân hàng Trung ương Argentina hôm 15/5 nâng lãi suất tham chiếu thêm 6%. Trong thông báo, cơ quan này kỳ vọng việc nâng lãi suất sẽ thúc đẩy đầu tư vào đồng peso nước này. Lạm phát phi mã đang buộc dòng tiền đầu tư rời đi, khiến đồng peso mất giá 23% so với USD năm nay.
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10 này, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa đang tập trung ngăn nội tệ mất giá mạnh hơn nữa, đồng thời hạ nhiệt lạm phát. Ông được coi là ứng cử viên tiềm năng sau khi Tổng thống Alberto Fernandez tháng trước thông báo sẽ không tái tranh cử. Thành công của Massa sẽ gắn liền với kết quả từ kế hoạch ghìm lạm phát.
Massa gần đây liên tục nâng lãi suất. Ông còn cam kết không yêu cầu ngân hàng trung ương in thêm tiền để phục vụ chi tiêu công năm nay. Đây là nguồn cơn cho lạm phát dai dẳng tại Argentina suốt 2 năm qua.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng động thái nâng lãi hôm qua không thể đem đến sự thay đổi nào cho Argentina. "Chúng tôi có cảm giác chính phủ đang hoàn toàn mất kiểm soát lạm phát", Miguel Kiguel – cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Argentina nhận định.
"Tôi cho rằng chính phủ đã hành động quá muộn. Dĩ nhiên, việc nâng lãi là chiến lược chính để đối phó lạm phát. Nhưng việc này cần thời gian. Khi ngân hàng trung ương nâng lãi, tác động sẽ hiển hiện sau 2-3 tháng. Thời gian này không hiệu quả với tình hình hiện tại của Argentina", ông kết luận.
Hà Thu (theo CNN)