Cơ quan thống kê quốc gia Argentina (INDEC) hôm 14/3 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này trong tháng 2 tăng 102,5% so với năm ngoái. Tốc độ này thuộc nhóm cao nhất thế giới.
So với tháng trước, lạm phát là 6,6%. Thực phẩm và đồ uống thuộc nhóm tăng mạnh nhất, với 9,8% tháng 2 so với tháng trước đó. Theo sau là công nghệ thông tin - truyền thông và nhà hàng - khách sạn.
Nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin quay cuồng trong khủng hoảng tài chính và xã hội nhiều năm qua. Gần đây, tình trạng kinh tế của nước này càng xuống dốc do xung đột Nga – Ukraine. Họ đã trải qua 13 tháng liên tiếp lạm phát tháng vượt 4% - mức được coi là tiêu chuẩn để đánh giá nền kinh tế vững mạnh.
Để đối phó lạm phát và ngăn đồng peso mất giá, chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez đã áp dụng chính sách hỗ trợ tỷ giá với một số ngành nhất định. Việc này giúp các doanh nghiệp ngành đó mua được USD với giá rẻ hơn thị trường.
Ví dụ, các hãng sản xuất rượu được áp dụng chương trình Dollar Malbec. Các hãng bán gói du lịch trong dịp World Cup được tham gia Dollar Qatar. Còn Dollar Coldplay dành cho các công ty tổ chức sự kiện âm nhạc.
Tháng 10/2022, Ngân hàng Trung ương Argentina cũng nâng lãi suất tham chiếu thêm 550 điểm cơ bản (5,5%), lên 75%. Năm ngoái, cơ quan này đã nâng lãi 9 lần. Chỉ tính riêng từ tháng 7, họ đã nâng lãi thêm 23 điểm phần trăm.
Bộ trưởng Kinh tế mới của nước này - Sergio Massa đang điều hành cuộc chiến chống lạm phát với cách tiếp cận truyền thống hơn. Ngoài nâng lãi, Massa còn cam kết không yêu cầu ngân hàng trung ương in thêm tiền để phục vụ chi tiêu công năm nay. Đây là nguồn cơn gây ra lạm phát dai dẳng tại Argentina hơn 2 năm qua.
Không chỉ Argentina, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng đang quay cuồng trong khủng hoảng giá sinh hoạt. Số liệu chính thức mới nhất mà Venezuela công bố là từ tháng 10 năm ngoái, với lạm phát 155%. Còn tại Lebanon, giá tiêu dùng tháng 1 tăng 124%. Lạm phát Zimbabwe tháng 1 cũng lên 101,5%.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)