Yêu cầu được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana và Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 18/4. Geoana cho biết ông hoan nghênh nỗ lực của Argentina để trở thành đối tác được công nhận trong liên minh.
Vai trò "đối tác toàn cầu" gần giống như "đồng minh" của NATO, nhưng không bắt buộc Argentina phải tham gia hành động quân sự chung của khối. NATO tới nay chỉ kết nạp các thành viên ở châu Âu cùng Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ, không xem xét các quốc gia không nằm trong khu vực địa lý của khối.
Văn phòng Tổng thống Argentina cho biết việc trở thành đối tác toàn cầu của NATO có thể cho phép Argentina tiếp cận công nghệ tiên tiến, hệ thống an ninh và chương trình đào tạo mà trước đây nước này chưa có.
"Argentina đóng vai trò quan trọng ở khu vực Mỹ Latin", ông Geoana nói. "Sự gần gũi hơn về chính trị và hợp tác thực chất có thể mang lợi lợi ích cho cả NATO và Argentina".
Việc hợp tác chính thức giữa Argentina với NATO cần có sự đồng thuận của toàn bộ 32 quốc gia thành viên của khối. Quan hệ của Argentina với Anh, một trong những thành viên chủ chốt của NATO, căng thẳng từ năm 1982 khi hai nước tranh chấp quần đảo Falkland ở nam Đại Tây Dương.
Các đối tác toàn cầu của NATO gồm Afghanistan, Australia, Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, New Zealand và Pakistan. Đối tác duy nhất của NATO ở Mỹ Latin hiện nay là Colombia.
Trao quy chế "đối tác toàn cầu" cho một quốc gia không có nghĩa NATO sẽ bảo vệ quốc gia đó trong trường hợp bị tấn công. Cam kết này, được quy định trong Điều 5 hiệp ước thành lập NATO, chỉ được áp dụng với các thành viên chính thức của liên minh.
Cuộc đối thoại giữa NATO và Argentina bắt đầu vào đầu những năm 1990. Năm 1998, trong động thái mang tính biểu tượng lớn để cảm ơn chính phủ Argentina điều quân tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Bosnia, tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã chỉ định Argentina là "đồng minh lớn không thuộc NATO".
4 tháng từ khi trở thành Tổng thống Argentina, ông Javier Milei đã định hình lại chính sách đối ngoại, trở thành một trong những bên gần như ủng hộ Mỹ vô điều kiện. Đây là một phần nỗ lực nhằm đưa Argentina trở lại vị thế nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu, sau khi các chính quyền trước đây khiến mối quan hệ với Mỹ và các nước châu Âu đi xuống.
Chính phủ của ông Milei cũng đang tìm kiếm lợi ích an ninh thông qua mối quan hệ nồng ấm hơn với phương Tây. Chính phủ Mỹ hôm 18/4 tuyên bố sẽ cung cấp cho Argentina khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 40 triệu USD, sau hơn hai thập kỷ gián đoạn.
Khoản tài trợ nhằm giúp Argentina trang bị và hiện đại hóa quân đội, cũng như hỗ trợ thanh toán chi phí 24 tiêm kích F-16 Argentina mua từ Đan Mạch đầu tuần này. Bộ trưởng Quốc phòng Petri ca ngợi việc mua các tiêm kích là "thương vụ quân sự quan trọng nhất kể từ khi Argentina trở lại chế độ dân chủ" năm 1983.
Huyền Lê (Theo AP)