Công tố viên Arab Saudi Shalaan al-Shalaan hôm nay đọc bản án sơ bộ tại phiên tòa ở Riyadh, cho biết 5 người "trực tiếp tham gia vụ giết nhà báo" bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ bị kết án tử hình và 3 bị cáo còn lại bị tuyên phạt tổng cộng 24 năm tù.
Danh tính các bị cáo chưa được công bố. Saud al-Qahtani, cựu cố vấn cao cấp của hoàng gia Arab Saudi, bị điều tra nhưng không bị buộc tội và đã được thả tự do. Trước đó, các nghi phạm đã bị đưa ra xét xử trong các phiên xử kín ở Riyadh.
Nhà báo Jamal Khashoggi tại một cuộc họp báo ở Bahrain tháng 12/2014. Ảnh: AFP. |
Khashoggi từng có mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Arab Saudi, thậm chí làm cố vấn cho các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, ông sau đó thường xuyên chỉ trích chính quyền Arab Saudi cũng như Thái tử Mohammed bin Salman vì chính sách đối ngoại và đàn áp người bất đồng chính kiến.
Ông rời Arab Saudi năm 2017, tới sống lưu vong tại Washington. Khashoggi đã bày tỏ lo sợ rằng mình có thể bị trả thù vì quan điểm trái ngược với chính phủ.
Ông tới lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/10/2018 để làm thủ tục đăng ký kết hôn, sau đó bị nhóm 15 sát thủ xuất thân từ lực lượng an ninh và tình báo Arab Saudi sát hại. Thi thể ông được cho là đã bị phân tách để đưa khỏi lãnh sự quán. Cho đến nay, nhà chức trách vẫn chưa tìm được thi thể của nhà báo xấu số này.
Al-Qahtani bị cáo buộc là người đã ra lệnh cho nhóm sát thủ tới Thổ Nhĩ Kỳ giết Khashoggi. Chính quyền Arab Saudi sa thải ông sau khi Riyadh thừa nhận Khashoggi bị giết ở lãnh sự quán. Al-Qahtani trước đó luôn được miêu tả là "cánh tay phải" của Thái tử Mohammed.
Vụ giết Khashoggi đã gây ra làn sóng phẫn nộ toàn cầu, với sự nghi ngờ đổ dồn vào Thái tử Mohammed bin Salman. Một số phụ tá thân cận của Thái tử bị quy trách nhiệm đứng sau kế hoạch này. Thổ Nhĩ Kỳ đã giao các đoạn băng ghi âm dài tổng cộng 45 phút cho Liên Hợp Quốc để phục vụ điều tra.
Trong buổi phỏng vấn với CBS hồi tháng 9, Thái tử tuyên bố không biết gì về kế hoạch giết Khashoggi, nhưng thừa nhận "các cá nhân làm việc cho chính phủ" đã ra tay, đồng thời nhận trách nhiệm với tư cách một nhà lãnh đạo ở Arab Saudi.
Huyền Lê (Theo AFP)