Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir đã cảnh báo Washington trong chuyến thăm nước này cuối tháng trước, CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ hôm 17/4. Nguồn thạo tin về Arab Saudi cho biết nước này đã liệt những khối tài sản trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ vào "hoàn cảnh nguy hiểm" để bảo vệ chính mình trong trường hợp Washington thông qua đạo luật nói trên. Tờ New York Times cho biết số tài sản này trị giá 750 tỷ USD.
Chính quyền của Tổng thống Obama đang gây áp lực mạnh với quốc hội để đạo luật không được thông qua. Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cảnh báo việc này sẽ khiến Mỹ đối diện với nhiều rủi ro kinh tế. Arab Saudi hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.
Dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 kiện các chính phủ có liên quan và tổ chức tài chính tài trợ khủng bố, được các thượng nghị sĩ Chuck Schumer, D-New York, và John Cornyn, R-Texas, ủng hộ. Tờ New York Times cho biết, dư luật đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ thông qua đầu năm nay.
Arab Saudi là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Trung Đông trong thời gian dài. Nước này phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ khủng bố 11/9 rung chuyển nước Mỹ. Tuy nhiên, 15 trong số 19 tên không tặc tham gia khủng bố mang quốc tịch Arab Saudi.
Tháng 2, Zacarias Moussaoui kẻ bị coi là tên không tặc thứ 20, đang thụ án tù ở Colorado, Mỹ, thậm chí còn cáo buộc Hoàng gia Arab Saudi đứng sau vụ khủng bố và tài trợ cho nhóm khủng bố al-Qaeda.
28 trang báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9, tập trung vào vai trò của các quốc gia có liên quan, vẫn đang được phân loại.
Một quan chức cấp cao giấu tên Mỹ khi được hỏi liệu Tổng thống Obama có dùng quyền phủ quyết khi quốc hội thông qua, cho biết: "Thay vì việc nghĩ đến giả thiết luật có được thông qua, tôi nghĩ rằng chúng ta cần cân nhắc những hậu quả khôn lường mà nó mang lại".
"Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu tham gia thảo luận dự luật này với quốc hội", quan chức Mỹ nói thêm.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo: "Việc ban hành đạo luật như thế sẽ đẩy Hoa Kỳ vào kiện cáo, tước đi quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia và tạo ra tiền lệ khủng khiếp".
Quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia được hiểu là nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự).
Trong khi đó, cựu thượng nghị sĩ Bob Graham, đồng chủ tịch Ủy ban điều tra vụ 11/9 của Mỹ, cho biết ông "tức giận nhưng không ngạc nhiên" trước cảnh báo của ngoại trưởng Arab Saudi. "Arab Saudi biết họ đã làm gì trong vụ 11/9, và họ cũng hiểu là chúng ta biết những điều đó, ít nhất là ở cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ", ông Graham nói.
Năm 2003, giới chức Arab Saudi đã đề nghị Mỹ cho phép tiếp cận những trang tài liệu này để bảo vệ họ khỏi các cáo buộc liên quan khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền Bush khi đó đã từ chối.
Ông Obama cũng tiếp tục thực hiện chính sách này, không cho Arab Saudi tiếp cận tài liệu với lý do Mỹ cần thu thập thông tin tình báo. Năm ngoái, một tòa án ở Mỹ đã bác đơn kiện chính quyền Arab Saudi của gia đình các nạn nhân vụ 11/9.
Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ bị những phần tử tấn công liều chết của al-Qaeda bắt cóc và lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. Trong những vụ tấn công phối hợp khác, một máy bay nữa lao vào Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi chiếc thứ tư bị rơi ở Pennsylvania. Hơn 2.700 người thiệt mạng trong vụ tấn công.
Văn Việt