"Chúng tôi coi trọng mối quan hệ chiến lược với Mỹ và hy vọng duy trì mối quan hệ đó. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ phản ứng tương xứng", Hoàng tử Turki bin Faisal al Saud ngày 31/10 nói trong bài phát biểu với Hội đồng Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Arab, tổ chức vận động phi lợi nhuận, theo Reuters.
Turki là cựu quan chức tình báo từng chọn Jamal Khashoggi làm cố vấn. Nhấn mạnh rằng mối quan hệ 70 năm giữa Mỹ với Arab Saudi đã vượt qua nhiều khủng hoảng, Turki nói: "Giờ đây, mối quan hệ này một lần nữa bị đe dọa".
Một số nhà lập pháp Mỹ cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman ra lệnh giết Khashoggi. Riyadh bác bỏ điều này và đe dọa trừng phạt. Nhiều nhà bình luận Mỹ chỉ trích các tuyên bố bất nhất của Arab Saudi về vụ sát hại. Washington đã tước visa của các quan chức bị nghi liên quan đến cái chết của nhà báo.
Vụ giết Khashoggi là chủ đề của "sự tấn công và bôi xấu Arab Saudi giống như các cuộc khủng hoảng trước đó", Turki nói. "Để mối quan hệ của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi vấn đề này là không tốt chút nào".
Mỹ và Arab Saudi có mối quan hệ trong các lĩnh vực ổn định thị trường dầu, thương mại, bán vũ khí, hợp tác trong các nỗ lực hòa bình Trung Đông và chống khủng bố. Washington coi Riyadh là đồng minh quan trọng để kiềm chế sức mạnh của Iran trong khu vực.
Khashoggi, người nhiều lần chỉ trích chính phủ, biến mất sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau nhiều lần chối bỏ sự liên quan, Arab Saudi thừa nhận nhà báo này đã chết trong lãnh sự quán và đây là vụ giết người có mưu tính trước. Arab Saudi đã sa thải 6 quan chức và bắt 18 nghi phạm nhưng bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố sẽ tự truy tố.