Thứ bảy, 4/11/2023, 10:00 (GMT+7)

Nguyễn Hồng Lợi được ưu tiên đứng hàng đầu tiên khi chờ hiệu lệnh xuất phát giải hai môn phối hợp tại Phan Thiết, ngày 29/10. VĐV này khuyết tật hai chân, một tay bị teo nhỏ, nhưng đăng ký tham gia cự ly bơi dài nhất là 2km và chạy 21km. Anh hồi hộp khi đây mới là lần thứ hai va chạm với bơi biển dù có kinh nghiệm hàng chục năm thi đấu trên đường đua xanh.

Hiệu lệnh xuất phát vang lên lúc biển Phan Thiết vẫn chưa đón tia nắng đầu ngày. Đoàn đông hàng trăm VĐV nhanh chóng nối đuôi nhau ùa về phía trước, lao mình vào những con sóng. Anh Lợi tập tễnh trên đôi chân khuyết tật để tiến tới. Khi mọi người đã bắt đầu bơi, anh mới tới sát mép nước. Trên bờ, vợ anh - nhà thiết kế Tường Nghĩa, chăm chú theo dõi hành trình.

Cự ly bơi 2km yêu cầu VĐV hoàn thành hai vòng bơi. Qua 26 phút 30 giây, kình ngư không chân đã xong vòng một, tốc độ nhanh hơn phân nửa số VĐV tham gia Aquaman. Chứng kiến hình ảnh kình ngư sinh năm 1987 lên bờ để đi qua thảm chip trên đôi chân không lành lặn, hàng khăm khán giả vỗ tay động viên. Nhiều VĐV cùng thi đấu lao đến đập tay, trao những cái ôm nể phục. Vòng hai diễn ra tương tự khi anh không giảm tốc độ, thậm chí nhanh hơn vòng đầu. duy trì ở mức 2 phút 37 giây mỗi 100m. Kết quả, Hồng Lợi mất 52 phút 22 giây để hoàn thành 2km bơi biển.

VĐV này sau đó nỗ lực đi bộ thêm một đoạn ngắn trước khi quyết định dừng lại. Dẫu vậy, việc hoàn thành cự ly bơi 2km dưới một giờ được anh xem là thành công. "Tôi hoàn thành được ước mơ chinh phục biển cả. Aquaman Vietnam cho tôi làm những điều trước đây chưa từng, truyền cảm hứng sống khỏe, nỗ lực theo đuổi ước mơ đến cộng đồng", kình ngư chia sẻ.

Năm 2023 là năm thứ hai Aquaman Vietnam được tổ chức với hơn 1.000 VĐV tham gia cùng sự đồng hành của Công ty Chứng khoán DNSE. Để đến với giải, anh Nguyễn Hồng Lợi - cựu VĐV bơi lội quốc gia, ban đầu đắn đo khi chưa có nhiều kinh nghiệm bơi biển. Nhưng với anh, việc được thi đấu cùng hàng nghìn người, vượt sóng là trải nghiệm hiếm có nên quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Giống anh Lợi, DNSE Aquaman Vietnam cũng trở thành điểm tựa để rất nhiều VĐV khác chạm đến ước mơ dù không ít khó khăn.

Hơn 50 em nhỏ mồ côi từ mái ấm Thiên Thần (TP HCM) đã vượt quãng đường gần 200km để đến Phan Thiết với ước mơ lần đầu hòa mình vào không khí của một giải thi đấu bơi, chạy. Trong số này, 9 em tham gia AquaKid (bơi 200m, chạy 1km), 6 em tham gia cự ly Sprint Aqua (bơi 500m, chạy 5km) cùng người lớn. Số còn lại được mái ấm đưa đi cùng để cổ vũ và cảm nhận sự sôi động của những giải đấu thể thao.

Với các em nhỏ yếu thế, việc được tham gia các giải đấu thể thao lớn là điều không thường xuyên xảy ra. Đại diện mái ấm Thiên Thần cho rằng thể thao là cách tốt nhất để các em phát triển đúng cách, xây dựng được những tính cách tích cực. Từ nhỏ, các em được mái ấm dạy bơi, chạy, võ, bóng đá, bóng rổ bên cạnh việc học văn hóa. "Từ những giải thể thao, các em trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn trong hành trình khôn lớn. Đây cũng là kỷ niệm đẹp của các em mãi về sau", đại diện mái ấm nói.

Mùa giải thứ hai của Aquaman Vietnam đưa VĐV đến địa điểm thi đấu hoàn toàn mới là NovaWorld Phan Thiết. Bãi biển dài cùng hạ tầng hoàn thiện trở thành chất xúc tác tạo ra giải đấu cảm xúc.

Hơn 1.000 VĐV thi đấu trong điều kiện lý tưởng khi biển Phan Thiết có sóng nhẹ, khá êm. Theo nhiều VĐV lão làng như Lâm Quang Nhật hay Quỳnh Giang, điều kiện biển phù hợp cho cả những người mới chơi lẫn người đã có kinh nghiệm. Đường bơi được thiết kế theo hình tam giác ngược, rải dây phao để định hướng. Phao lớn tam giác màu xanh để đánh dấu điểm chuyển hướng, quay đầu. Dọc đường bơi là hàng chục SUP, cano cứu hộ để hỗ trợ VĐV.

Thời tiết ủng hộ cùng khâu chuẩn bị kỹ lượng tạo điều kiện cho VĐV bung hết sức khi thi đấu. Riêng cự ly dài nhất là Aquaman và Relay, có đến 103 VĐV hoàn thành phần bơi dưới 50 phút, 212 hoàn thành dưới một tiếng.

Phần chạy mang đến nhiều thử thách hơn khi nhiệt độ Phan Thiết cao và đường nhiều dốc. Cự ly dài nhất có khoảng 7 con dốc, trong đó có đoạn kéo dài gần 1km, khiến nhiều VĐV phải điều chỉnh chiến thuật, phân phối sức. Hàng chục trạm nước, y tế được đặt với mật độ dày để tiếp thêm năng lượng cho VĐV vượt qua chính mình, chinh phục giấc mơ. 29 người tham gia hoàn thành cự ly 21km dưới 2 tiếng. ‘

Nỗ lực thi đấu bền bỉ giúp nhiều VĐV lần đầu chạm đến chức vô địch DNSE Aquaman Vietnam mùa hai. Nổi bật trong số này là bộ đôi cùng họ tên Nguyễn Đăng Khoa ở nội dung đồng đội tiếp sức. Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 1999, biệt danh Sun), kết thúc phần bơi ở vị trí thứ ba do bị choáng ngợp khi thi đoạn đầu. Đồng đội cùng tên (sinh năm 1988) thi đấu phần bơi, nỗ lực mở hết tốc, bất chấp những con dốc để vượt mặt những người xuất phát trước, qua đó ngược dòng dành chức vô địch.

Giải cũng chứng kiến Vũ Đình Duân xuất sắc bảo vệ chức vô địch nội dung solo. Duân chỉ bung 80% sức cho phần bơi, tập trung vào thế mạnh là chạy đường dài. Kết quả, VĐV dù xuất phát sau nhưng nhanh chóng vượt các đối thủ để độc chiếm đỉnh bảng xếp hạng. Khoảnh cách với người về nhì là 6 phút. Ở cùng cự ly, Võ Thị Kim Cương là VĐV nữ về đích đầu tiên, bỏ xa hơn 14 phút so với hạng nhì. Đây là lần đầu tiên Kim Cương thắng giải nhưng nằm trong dự đoán vì cô là thành viên của đội tuyển ba môn phối hợp Việt Nam.

Không chỉ là cuộc cạnh tranh thành tích, thành công của DNSE Aquaman Vietnam 2023 đến từ việc tạo ra sân chơi cho mọi đối tượng từ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đến những VĐV chuyên nghiệp. Giải khuyến khích phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe, thu hút nhiều người quan tâm đến bơi - chạy.

Theo Nguyễn Thúy Vi - HLV của Vũ Đình Duân và đồng thời là nhà vô địch nữ cự ly Sprint Aqua, Aquaman Vietnam 2023 sự kiện đặt nền móng cho hai môn phối hợp tại Việt Nam. Trong bối cảnh các giải hai, ba môn phối hợp còn ít, chưa đáp ứng hết nhu cầu cộng đồng, HLV xem Aquaman Vietnam như làn gió mới, nhiều tiềm năng thu hút runner chuyển sang bơi lội - bộ môn bổ trợ rất tốt cho người chơi thể thao.

Tinh thần của DNSE Aquaman Vietnam 2023 là bền bỉ, nỗ lực theo đuổi ước mơ. Theo Công ty Chứng khoán DNSE - đơn vị đồng hành, ước mơ lớn là động lực để mỗi cá nhân vượt qua trở ngại, đạt đến thành công. Đơn vị kỳ vọng giải truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi tinh thần "dám mơ lớn, dám chinh phục".

Trong những ngày diễn ra giải, hơn 1.000 VĐV đã có cơ hội chinh phục đường đua, theo đuổi những giấc mơ theo cách riêng. "Chúng tôi tin rằng dù trong thể thao hay trong đầu tư, chỉ có những giấc mơ lớn, cùng sự bền bỉ, nỗ lực mới kích hoạt tiềm năng của mỗi người, đưa họ đến thành côn", ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE chia sẻ.

Nội dung: Hoài Phương - Thiết kế: Thái Hưng