"Trận chiến thứ hai", "Sự trở lại của Apple và Samsung"... là những gì báo chí đang mô tả về hai "gã khổng lồ" của ngành công nghiệp di động. Hai nhóm luật sư mà Apple và Samsung đã tốn hàng chục triệu USD để thuê cũng sẽ có những màn tranh cãi căng thẳng.
Apple là công ty khơi mào cuộc chiến vào năm 2011 khi kiện Samsung bắt chước thiết kế iPhone và vi phạm một số bản quyền công nghệ của hãng. Phiên tòa đầu tiên đã kết thúc vào tháng 8/2012 với án phạt 1,05 tỷ USD đối với Samsung và hiện con số này được giảm xuống 930 triệu USD. Phiên toà thứ hai diễn ra vào ngày cuối của tháng 3 sẽ bàn đến những công nghệ có trong thiết bị di động đang hàng ngày thay đổi cuộc sống của con người.
"Tôi nghĩ Apple và Samsung cảm thấy họ cần kết thúc những gì mà họ đã bắt đầu", William Stofega, chuyên gia phân tích của IDC, nhận định trên Mercury News.
Trong trận chiến mới, Apple tuyên bố nhiều sản phẩm của Samsung như Galaxy S3, Galaxy Tab 2... vi phạm 5 bằng sáng chế của họ, trong đó có công nghệ tra cứu bằng giọng nói Siri và tính năng trượt để mở khóa Slide to Unlock... Đây là những sản phẩm đời mới hơn, có doanh số cao hơn so với Galaxy S đời đầu nên mức độ thiệt hại được đánh giá là cũng nghiêm trọng hơn.
Apple yêu cầu Samsung phải trả 40 USD cho mỗi điện thoại được phát hiện đã sử dụng trái phép bản quyền của Apple, cao gấp 5 lần mức án mà Apple đề nghị trong vụ kiện đầu. Tuy nhiên, trong khi Apple và Samsung đối đầu về những thiết bị như Galaxy S3 thì trong tháng 4 này, hãng Hàn Quốc đã bán ra thị trường chiếc Galaxy S5. Điều đó sẽ phần nào làm giảm độ ảnh hưởng trong những cáo buộc của Apple lên Samsung bởi các sản phẩm trong phiên tòa đều đã cũ.
"Phiên tòa này chỉ ra thực tế rằng công nghệ và luật đang đi với tốc độ khác nhau", Mark Lemley, chuyên gia về luật tại Đại học Stanford, cho hay.
Tuy nhiên, đối với Apple, phiên tòa chống lại Samsung là một cách để họ trừng phạt hãng Hàn Quốc vì tội "ngoan cố sao chép công nghệ" trong iPhone 5, iPad Mini và MacBook Pro.
Apple sẽ vẫn sử dụng rất nhiều nhân chứng đã có mặt trong phiên tòa đầu. Giới công nghệ cũng tin rằng hãng này sẽ tiết lộ thêm nhiều bí mật nội bộ trong hành trình phát triển iPhone và iPad, như các kỹ sư đã phải dành nhiều năm, trải qua nhiều khó khăn như thế nào để thực hiện những thay đổi nhỏ mà quan trọng (như sắp xếp tin nhắn dưới dạng hội thoại liền mạch thay vì các thông điệp nhỏ lẻ được xếp theo thời gian) để rồi sau đó bị các đối thủ như Samsung bắt chước và giành giật thị phần.
Hệ điều hành Android cũng sẽ là tâm điểm thay vì khá chìm so với lần đầu. Đối với nhiều nhà quan sát, Apple thực ra muốn chống lại Google và họ chọn Samsung bởi đây là nhà sản xuất thiết bị Android thành công nhất trong khi một số công ty khác được cho là cũng sao chép của Apple. Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple, từng nói với Chủ tịch Google là Eric Schmidt rằng: "Tôi không cần tiền của các ông. Nếu ông đưa cho tôi 5 tỷ USD, tôi cũng chẳng cần. Thứ duy nhất tôi muốn là các ông hãy dừng ngay việc đưa ý tưởng của chúng tôi vào nền tảng Android". Jobs cũng tuyên bố sẽ dùng tới hơi thở cuối cùng, tiêu tới đồng xu cuối cùng để hủy hoại Android vì đó là sản phẩm ăn cắp.
Do vậy, danh sách nhân chứng của Samsung cũng có một số lãnh đạo cao cấp của Google với mục đích chia sẻ về quá trình phát triển Android và bác bỏ các cáo buộc của Apple.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài sang tháng 5 (phiên tòa đầu tiên dài 3 tuần) và có khả năng chưa phải trận chiến pháp lý cuối cùng tại Mỹ giữa Apple và Samsung. Apple cũng đang tiếp tục đề nghị quan tòa ra lệnh cấm bán các sản phẩm Samsung tại nước này.
Châu An