Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, với việc bỏ phụ kiện bên trong cùng chi phí làm hộp rẻ hơn do hộp nhỏ hơn, Apple đã tiết kiệm 4,2 USD trên mỗi chiếc iPhone 12 so với iPhone 11.
Trước đó, nhà phân tích Ming-chi Kuo dự đoán loạt iPhone 12 có thể đạt doanh số 63 triệu máy trong 2020. Như vậy, dựa trên số liệu này, Apple có thể đã tiết kiệm được hơn 264 triệu USD.
Cũng theo số liệu từ Counterpoint Research, giá thành vật liệu sản xuất (BOM) của iPhone 12 đắt hơn 72,5 USD so với iPhone 11. Hãng nghiên cứu sử dụng chiếc iPhone 12 128 GB và so sánh với iPhone 11 128 GB về chi phí linh kiện bên trong.
Cụ thể, ngoài việc tiết kiệm được 4,2 USD từ hộp và phụ kiện, chi phí của các linh kiện như RAM, ROM, pin, hệ thống camera và Face ID trên iPhone 12 rẻ hơn iPhone 11. Tuy vậy, do được bổ sung các loại linh kiện đắt tiền là màn hình OLED, chip 5G cùng ăng-ten RF, chi phí để tạo nên một chiếc iPhone 12 tới 431 USD, tức tăng 26% so với mức gần 359 USD của "đàn anh".
Việc đưa vào linh kiện đắt tiền là một trong những lý do khiến loạt iPhone 12 tăng giá. Trước đó, có một số ý kiến cho rằng Apple đã "ăn dày" khi cố tình bỏ phụ kiện bên trong iPhone 12, nhưng vẫn bán giá đắt hơn iPhone 11. iPhone 11 có giá khởi điểm 699 USD, còn iPhone 12 bắt đầu từ 799 USD.
Như Phúc (theo Gizchina)