Motherboard vừa đăng loạt video Apple hướng dẫn nhân viên thuyết phục khách hàng nên mang thiết bị đến sửa ở cửa hàng chính hãng. Andrey Shumeyko - người đã gửi những video này cho Motherboard - là một thành viên trong cộng đồng đam mê sản phẩm Apple. Anh vốn thích tìm kiếm những thông tin mà Apple giấu kín. Các video này vốn chỉ dành cho nhân viên cửa hàng và những nơi sửa chữa đạt chuẩn AASP. Shumeyko cho biết do lỗi trên một nền tảng nên anh không cần đăng nhập mà vẫn vào được hệ thống và lấy được video ra ngoài.
Một trong số các video này cho thấy cách Apple hướng dẫn kỹ thuật viên thuyết phục khách hàng nên thay màn hình tại cửa hàng uỷ quyền của hãng dù giá đắt hơn nhiều. Nhân viên sửa chữa sẽ giải thích rằng linh kiện ở đây là chính hãng, đã đạt tiêu chí kỹ thuật của AppleCare. Người này cũng không quên nói "màn hình của các bên khác không tốt như hàng chính hãng"
"Chúng ta sẽ thấy cả hai màn hình đều nhạy khi chạm vào, kết quả như nhau. Nhưng màn hình của bên thứ ba không được vậy, thậm chí vài điểm không nhận cảm ứng", người hướng dẫn của Apple nói trong video.
Theo Vice, trên thực tế không phải bên sửa chữa thứ ba nào cũng dùng hàng kém chất lượng. Có nhiều trung tâm sửa chữa chỉ dùng linh kiện chất lượng cao, linh kiện chính hãng đã qua sử dụng hay linh kiện từ hàng trưng bày. Tất cả có giá rẻ hơn nhiều so với Apple dù chất lượng tương đương. "Khách hàng nên được quyền quyết định sửa chữa ở đâu, nhưng những video này cho thấy Apple đang cố giảm uy tín của các đối thủ cạnh tranh", Vice bình luận. Bên cạnh đó, khác với những gì Apple nói, đa số linh kiện thường giống nhau. Các nhà máy sản xuất thường sẽ làm linh kiện như màn hình, sau đó bán cho các nhà cửa hàng độc lập.
Những video mới được rò rỉ được cho là của Apple, nhằm đào tạo nhân viên tại các trung tâm sửa chữa được uỷ quyền. Hãng đang hướng dẫn các nhân viên thuyết phục khách hàng chi số tiền lớn cho linh kiện chính hãng.
Trong nhiều năm qua, Apple liên tục gây khó khăn cho những cửa hàng sửa chữa độc lập, buộc khách hàng phải đến đại lý chính hãng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tại Mỹ đã phản đối và phát động một chiến dịch mang tên "Quyền sửa chữa". Những người này cho rằng họ có quyền được tu sửa điện thoại, máy tính của mình một cách tiện lợi, dễ dàng ở bất kỳ đâu mà không gặp những chênh lệch về giá.
Chuẩn AASP của Apple xuất hiện vào năm 2016. Nó giúp các cửa hàng độc lập có thể sửa chữa các vấn đề cơ bản cho các thiết bị của hãng. Dù đã đạt chuẩn do Apple đề ra, các trung tâm AASP chỉ có thể những chi tiết được hãng cho phép và có thể bị Apple kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào.
Gần đây, Apple thông báo họ đã thay đổi chính sách và các cửa hàng AASP có thể "sửa mọi sản phẩm". Tuy nhiên, theo Motherboard, những nơi này chỉ có thể sửa iPhone, những sản phẩm khác như MacBook, iPad, AirPods... đều phải gửi về Apple.
"Hàng ngày, tôi thấy rất nhiều sản phẩm được nhân viên Apple thông báo 'không thể sửa được'. Tuy nhiên, bạn bè tôi từ các cửa hàng sửa chữa từ bên thứ ba đều khẳng định họ có thể làm được và giúp khách hàng khôi phục tài liệu, kỷ niệm quý giá. Nhưng vì những hạn chế từ Apple, tôi không được quyền giúp khách", một nhân viên từ cửa hàng AASP nói với Vice.
Kyle Wiens, giám đốc điều hành iFixit - chuyên trang hướng dẫn người dùng tự sửa chữa thiết bị điện tử, đặc biệt là các sản phẩm từ Apple - cho rằng các video đào tạo trên cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Apple đối với các bên sửa chữa độc lập. "Họ nên đào tạo nhân viên kỹ thuật rằng thị trường rất cạnh tranh và tập trung vào chất lượng linh kiện của mình hơn là áp dụng các chính sách hạn chế sửa chữa", Wiens nói.
Nathan Proctor, người đứng đầu chiến dịch "Quyền sửa chữa" cũng có ý kiến tương tự. "Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu của sự tiến bộ. Các nhà sản xuất đang cố gắng cạnh tranh để có thêm khách hàng thay vì ép buộc họ phải dùng sản phẩm của mình. Có lẽ Apple đang chuẩn bị cho tương lai, khi họ không thể tước bỏ quyền lựa chọn của khách hàng nữa và phải cạnh tranh bằng cách thuyết phục khách hàng rằng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm, dịch vụ từ Apple là xứng đáng. Mục tiêu của chiến dịch Quyền sửa chữa là giúp khách hàng có thể tự do lựa chọn", Nathan cho biết.
Mỹ Quyên (theo Vice)