Qualcomm đã đệ đơn kiện Apple từ năm ngoái, tố Apple vi phạm các bằng sáng chế của họ liên quan tới phương pháp cho phép smartphone kết nối Internet nhanh hơn sau khi khởi động, bằng sáng chế về quy trình xử lý đồ họa và thời lượng pin và bằng sáng chế liên quan đến thuật toán giúp ứng dụng có thể tải dữ liệu nhanh hơn bằng cách điều hướng lưu lượng dữ liệu giữa bộ xử lý và modem.
Qualcomm mong muốn được bồi thường 1,41 USD cho mỗi chiếc iPhone tích hợp chip Intel bán ra từ giữa năm 2017 đến mùa thu 2018. Cuối tuần qua, tòa án quận San Diego đã ra phán quyết bất lợi cho Apple.
Trên thực tế, số tiền phạt tổng cộng 31 triệu USD rất nhỏ khi so sánh với hàng tỷ USD lợi nhuận Apple thu về. Tuy nhiên, điều quan trọng là Qualcomm đã thắng và có thể buộc Apple phải chuyển sang sử dụng modem khác hoặc thậm chí phải quay sang làm hòa với Qualcomm.
Vụ kiện ở San Diego chỉ là bước khởi đầu trong cuộc chiến kéo dài vài tuần tới giữa hai hãng công nghệ Mỹ. Ngày 26/3, Ủy ban Thương mại Quốc tế ITC sẽ quyết định có ban hành một lệnh cấm nhập khẩu và bán một số mẫu iPhone nhất định. Một thẩm phán của ITC cho rằng Apple vi phạm một bằng sáng chế của Qualcomm, nhưng không cấm iPhone vì hành động này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chip. Phán quyết đầy đủ sẽ được đưa ra trong vòng 10 ngày tới.
Sang tháng 4/2019, Apple và Qualcomm sẽ lại tranh luận ở tòa án bang liên quan tới khoản tiền một tỷ USD mà Apple cho là họ phải trả "một cách không công bằng" cho Qualcomm.
Cụ thể, hai hãng được cho là đã có những thỏa thuận riêng, trong đó có một điều khoản nếu Apple sử dụng độc quyền chip modem của Qualcomm thì sẽ được giảm giá chi phí liên quan tới giấy phép sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, "Táo khuyết" lại cho rằng Qualcomm đã tính phí bản quyền một cách vô lý cho công nghệ không có gì liên quan tới họ.
Ví dụ, nếu một chiếc iPhone bị hỏng và cần chuyển tới nhà máy Foxconn để sửa chữa, Qualcomm đòi 5% trong số tiền mà Foxconn thu của Apple để sửa thiết bị. Apple cho rằng đây là đòi hỏi vô lý vì vấn đề chẳng liên quan gì tới linh kiện hay công nghệ của hãng. Đáp lại, Qualcomm khẳng định cáo buộc của Apple không có cơ sở và còn che giấu nhiều thông tin khác, cố ý nói sai về thỏa thuận giữa hai bên. Hãng tuyên bố sẽ cung cấp các bằng chứng liên quan tại tòa án.
Mâu thuẫn giữa hai hãng bắt đầu diễn ra từ tháng 1/2017 khi Qualcomm bị Ủy ban Thương mại Mỹ FTC cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh công bằng khi "mua chuộc" các công ty điện thoại, đặc biệt là Apple, dùng độc quyền chip của mình. Chỉ sau vài ngày, đến lượt Apple kiện hãng sản xuất chip và đòi bồi thường một tỷ USD. Qualcomm cũng tố Apple vi phạm bản quyền sáng chế và yêu cầu cấm bán một số mẫu iPhone tại Mỹ, Trung Quốc và Đức. Ngày 26/10/2018, Qualcomm cho biết Apple đang nợ 7 tỷ USD tiền bản quyền bằng sáng chế chip di động được sử dụng trên iPhone.