Trên mạng xã hội, Tim Cook hoạt động khá lặng lẽ với những phát ngôn "vô thưởng vô phạt". Nhưng khi nói đến quyền riêng tư người dùng - một trong những vấn đề được đánh giá là quan trọng nhất của thế giới Internet - CEO Apple luôn thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Tim Cook không ít lần tức giận, chỉ trích những "nhà môi giới dữ liệu", những nhà cung cấp dịch vụ chỉ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng bằng thông tin người dùng.
"Nếu mọi thứ trong cuộc sống đều có thể được tổng hợp và bán, chúng ta không chỉ mất dữ liệu mà còn mất quyền tự do", Tim Cook nói. Tại WWDC 2021, Apple đã có một bước đi lịch sử, có thể tác động sâu sắc đến tương lai của quyền riêng tư trên Internet và hầu hết công ty công nghệ trên toàn cầu. Hệ điều hành mới của hãng sẽ thông báo cho hơn một tỷ người dùng biết ứng dụng nào đang "theo dõi" họ. Nếu không muốn, người dùng có quyền nhấp vào "yêu cầu ứng dụng không được theo dõi".
Charles Manning, Giám đốc điều hành Kochava - công ty công nghệ quảng cáo của Mỹ - ví những điều chỉnh chính sách của Apple giống việc "ném bom xuống hồ để xem có bao nhiêu con cá bị nổ tung". Ước tính ngành quảng cáo kỹ thuật số với trị giá gần 400 tỷ USD mỗi năm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các công ty truyền thông, công nghệ và quảng cáo lớn nhất của Đức đã đệ đơn kiện Apple với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Một tháng trước, một nhóm vận động hành lang bao gồm 2.000 công ty khởi nghiệp của Pháp cũng đệ đơn kiện, cáo buộc Apple là "kẻ đạo đức giả về quyền riêng tư".
Apple dường như mất cảnh giác trước sự phản đối mạnh mẽ từ thế giới Internet. Trong một buổi trò chuyện mới đây trên Podcast, Tim Cook nói rằng ông "bị sốc bởi mức độ phản kháng đang diễn ra". Chính sách mới khiến Apple bị cô lập với nửa còn lại của Internet. Nhưng ít nhất, họ vẫn nhận được ủng hộ từ một nhóm quan trọng - người tiêu dùng.
Tim Cook nhận được nhiều tán dương của người dùng thông qua bài phát biểu có tựa đề: "Một ngày sống trong dữ liệu: Ngày của cha và con gái trong vườn". Trong câu chuyện của mình, Tim Cook vẽ lên một cuộc sống thường nhật của John và con gái mình - Emma. Cả hai đã trải qua một ngày vui vẻ trong sân chơi mà không nhận thấy mọi hành vi của họ đều bị giám sát, từ tính năng theo dõi vị trí của ứng dụng thời tiết, tin tức, bản đồ, hình ảnh, cho đến sở thích ăn uống, chơi game...
CEO Apple nói, người dùng thậm chí không biết họ đang bị theo dõi bởi những nền tảng nào, ngay cả các chuyên gia công nghệ cũng không biết hết dữ liệu cá nhân của mình đang được người khác dùng vào việc gì. Vì vậy việc cấm theo dõi người dùng là cần thiết.
Đáp lại chính sách bảo mật mới của Apple, nhiều nhà phân tích cho rằng Apple đang ngăn người dùng biết lý do tại sao họ cần các quảng cáo chính xác. "Điều mọi người không biết là thay vì phải xem hàng loạt quảng cáo, thương hiệu mà họ không quan tâm, không bao giờ cần, nay họ được xem những gì họ nghĩ tới", Stephen Carvey, đồng sáng lập công ty phân tích dữ liệu Ground Labs nói.
Không ít người hoài nghi cuộc chiến về quyền riêng tư của Apple là "một cuộc cách mạng" hay đơn giản chỉ là một màn trình diễn. Leslie Hanna, đối tác tại công ty luật Hausfeld của Mỹ, nói: "Tôi không nghĩ Apple làm điều này vì lợi ích của người khác, hoàn toàn không phải. Nhưng vẫn còn quá sớm để giải thích hết logic đằng sau hành vi của công ty công nghệ Mỹ".
Apple đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh quảng cáo còn non trẻ của mình. Bất kỳ người dùng iPhone nào cũng có thể tắt những quảng cáo "cá nhân hóa" này. Nhưng trước đó, những quảng cáo này được bật theo mặc định - hành động bị nhiều nhà phê bình coi là đạo đức giả.
Apple biện hộ rằng công ty chỉ tuỳ chỉnh quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng của mình. Những dữ liệu này bao gồm: nhạc, phim, sách, phim truyền hình, ứng dụng tải xuống cũng như bất kỳ đăng ký và mua hàng trong ứng dụng nào trên App Store. Tim Cook nói dữ liệu này sẽ được tổng hợp theo "phân đoạn" và sẽ không chia sẻ thông tin nhận dạng cá nhân với "bên thứ ba".
Chuyên gia quảng cáo trên thiết bị di động Eric Soifert giải thích, chiến lược tốt nhất để đối phó với Apple là bỏ sự phụ thuộc vào các nền tảng quảng cáo bên ngoài và tạo ra một "pháo đài nội dung" được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng công nghệ quảng cáo độc quyền thu thập dữ liệu của bên thứ nhất. Hai công ty trò chơi hàng đầu là Zynga và Applovin đã áp dụng chiến lược này.
Các nhà phân tích cho biết, chính sách mới về quyền riêng tư sẽ khiến Apple phải đối mặt một rủi ro khác là các nhà phát triển sẽ cố gắng tìm cách lách luật, phá vỡ quy tắc hãng đưa ra. Apple sẽ bị lôi vào một cuộc chiến mới không hồi kết với các nhà phát triển. Các cuộc kiện tụng dự kiến sẽ lớn lên theo cấp số nhân khi quyền lợi của nhà phát triển bị đe doạ nghiêm trọng.
Apple đã cấm một lượng lớn ứng dụng cố gắng vượt qua các quy tắc về theo dõi người dùng nhưng số mã bất hợp pháp cũng tăng lên đáng kể. Số lượng các ứng dụng độc hại cũng tăng lên đáng kể và Apple đang gặp khó trong việc phát hiện các ứng dụng này.
Ngay cả khi Apple thắng, điều này cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường. Cuộc đấu tranh của Apple trong việc xác định lại cách thức hoạt động của quảng cáo kỹ thuật số hầu như được biết đến rộng rãi, đến nỗi một số nhà quan sát lo lắng rằng đây chỉ là một màn phô trương quyền lực của Apple trước sự giám sát của cơ quan chống độc quyền.
Mike Fang, Giám đốc điều hành của Privoro, một nhà sản xuất phần cứng bảo mật điện thoại thông minh, cho biết: "Nếu Apple thành công, điều đó cho thấy Apple có sức ảnh hưởng phi thường nhờ hệ sinh thái của họ. Khi những ảnh hưởng này liên quan đến chống độc quyền, chúng sẽ rất bất lợi. Người dùng còn có các công ty Internet khổng lồ như Google, Facebook... Lần này Apple thực sự muốn chống lại tất cả nhưng chưa chắc ai sẽ nắm phần thắng trong tay".
Khương Nha (theo Sina)