Những nước hai hãng này đã nộp đơn kiện là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Italy. Apple cho rằng Samsung đã sao chép thiết kế của iPhone. Trong khi đó, Samsung phản pháo Apple sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây của họ mà không xin phép. Cả hai bên đều chưa giành được chiến thắng cuối cùng, và các thẩm phán cũng thường yêu cầu hai công ty tự dàn xếp hơn là đưa nhau ra tòa.
Trước tuyên bố hôm nay, căng thẳng giữa hai hãng cũng đã có dấu hiệu xoa dịu. Hồi tháng 6, Apple và Samsung đồng ý hủy kháng cáo với một vụ kiện vi phạm bằng sáng chế tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, vốn khiến một số dòng điện thoại cũ của Samsung bị cấm nhập khẩu.

iPhone 5 của Apple và Galaaxy 4S của Samsung . Ảnh: Techno Buffalo
Dù vậy, cả hai công ty đều tuyên bố sẽ không chấm dứt cuộc chiến pháp lý hoàn toàn, cũng như chưa đạt được thỏa thuận nào về bản quyền chéo giữa hai bên. Apple ra mắt iPhone năm 2007, mở đầu cho làn sóng sử dụng điện thoại cảm ứng và nhu cầu truy cập Internet qua di động. Samsung theo sau với hàng loạt điện thoại có mẫu mã, giá cả đa dạng.
Cuộc chiến giữa hai hãng bắt đầu khi smartphone dần trở nên phổ biến. Apple đã được xử thắng trong hai vụ kiện tại tòa án liên bang ở San Jose (California, Mỹ). Năm 2012, họ được phán nhận bồi thường 930 triệu USD, còn đầu năm nay là 120 triệu USD.
Vụ kiện giữa hai bên tương đối phức tạp do ngoài là đối thủ, Apple và Samsung còn có quan hệ khách hàng - nhà cung cấp. Samsung sản xuất nhiều thành phần chủ chốt, như thiết bị bán dẫn và chip nhớ cho sản phẩm của Apple.
Hai hãng smartphone hàng đầu thế giới đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD chi phí pháp lý trong các vụ kiện trên khắp thế giới, nhằm thống trị thị trường quy mô gần 340 tỷ USD năm ngoái, theo hãng nghiên cứu IDC. Năm 2013, Samsung có 31% thị phần toàn cầu, trong khi Apple chiếm 15%.
Hà Thu