Theo Reuters, quyết định này được đưa ra sau khi tuần trước, báo Guardian đưa tin Apple đã thuê đối tác nghe và đánh giá các ghi âm thu được từ trợ lý ảo mà người dùng không hề hay biết, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư.
"Chúng tôi đang tiến hành một cuộc kiểm duyệt toàn bộ, nên ngừng việc đánh giá Siri trên toàn cầu", phát ngôn viên của Apple nói, đồng thời cho biết người dùng có thể lựa chọn tắt chương trình này trong các phiên bản cập nhật mới của iOS.
Không chỉ Apple, Google và Amazon cũng sử dụng hàng nghìn nhân sự trên toàn cầu để phân tích các lệnh thoại thu thập từ người dùng. Cả ba hãng đều giải thích họ làm vậy cải tiến chất lượng phản hồi của trợ lý ảo và mọi thông tin đều ẩn danh. Tuy nhiên, việc ghi âm khiến các hãng thu được cả những âm thanh bên ngoài, như tiếng trao đổi bệnh tình với bác sĩ, hay những nội dung liên quan tới tình dục...
Chương trình đã nhanh chóng bị rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách Mỹ và châu Âu. Ngày 1/8, Đức yêu cầu Google dừng hành vi nghe ghi âm từ trợ lý ảo Google Assistant trên toàn châu Âu.
Tuy nhiên, trong số này, Apple vẫn gây bất ngờ nhất bởi họ từng nhiều lần chỉ trích Facebook, Google vì không coi trọng quyền riêng tư của người dùng, nhưng những gì họ đang làm cũng không khác so với Google và Amazon. Họ từng hai lần treo biển quảng cáo lớn trên các toà nhà để truyền đi thông điệp về bảo mật dữ liệu.
"Chuyện xảy ra trên iPhone của bạn sẽ nằm lại trên iPhone của bạn" là nội dung banner của Apple, phủ mặt bên một khách sạn ở Las Vegas, gần triển lãm công nghệ CES đầu năm 2019.
Đến tháng 7, Apple tiếp tục tuyên bố: "Công việc của chúng tôi là đứng ngoài những gì thuộc về bạn" trong banner treo gần văn phòng ở Toronto (Canada) của Sidewalk Labs, thuộc tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google.
"Chúng tôi tin quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người và điều đó thể hiện trong mọi thứ chúng tôi làm", Craig Federighi, Phó chủ tịch phụ trách mảng phần mềm của Apple, khẳng định.