The The Information, Apple đã lên kế hoạch cho ra mắt chip A16 Bionic với hiệu năng đồ họa vượt trội thế hệ trước. Tuy nhiên, các nguyên mẫu - với khả năng xử lý tốt hơn cả mong đợi của hãng - khi thử nghiệm bằng mô phỏng phần mềm lại gặp vấn đề. Mức tiêu thụ điện năng cao của GPU trên chip thử nghiệm có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin và khiến cho máy trở nên quá nóng.
Do vấn đề được phát hiện muộn, Apple tiếp tục phải sử dụng nền tảng GPU trên chip A15 Bionic của iPhone 13 cho A16 Bionic. Trong khi đó, ban đầu hãng dự kiến chip mới sẽ được trang bị GPU với công nghệ Ray Tracing giúp nâng cao khả năng xử lý đồ họa và chơi game của iPhone 14 Pro.
Thất bại trong kế hoạch phát triển chip A16 được cho là do nhóm phát triển chip của hãng có nhiều thay đổi nhân sự quan trọng, dẫn đến việc phát hiện muộn vấn đề. Ngoài ra, nguồn tin cũng gọi đây là thất bại chưa từng có trong lịch sử của nhóm phát triển chip Apple.
Bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân khiến Apple vẫn trang bị A15 Bionic cho bộ đôi iPhone 14 và 14 Plus.
Theo Ian Cutress, nhà phân tích của More Than Moore chuyên về phân tích chất bán dẫn, Apple vẫn dẫn đầu thị trường và vượt qua những mong đợi về hiệu suất của chip mới. Tuy nhiên, hãng sẽ khó duy trì được sự tăng trưởng về tốc độ chip do đang gặp các rắc rối về nhân sự và sản xuất.
Việc xáo trộn nhân sự cao cấp được đánh giá là vấn đề lớn nhất trong việc phát triển chip của Apple. Năm 2019, Gerard Williams III, chuyên gia thiết kế CPU hàng đầu của Apple, bắt đầu thành lập công ty riêng và sau đó bị thay thế bởi Mike Fillipo. Tuy nhiên, Fillipo được cho là không làm việc ăn ý với các kỹ sư khác của Apple nên đã gia nhập Microsoft. Apple vẫn chưa tìm được người thay thế. Bộ phận phát triển chip hiện do Johny Srouji, Phó chủ tịch cấp cao về công nghệ phần cứng của Apple, phụ trách.