Khi Apple thông báo sẽ chuyển Macbook Air và Macbook Pro 13 - các sản phẩm máy tính phổ biến của hãng, - sang loại vi xử lý mới dựa trên kiến trúc ARM, có nhiều lý do khiến giới công nghệ ngờ vực. Apple đưa ra hàng loạt tuyên bố khó tin về thời lượng pin và hiệu năng, điều mà laptop sử dụng nền tảng ARM của Qualcomm và Microsoft đã thất bại.
Tuy nhiên, theo The Verge,,Apple đã làm được điều khó tin khi laptop dùng chip M1 gần như đè bẹp sản phẩm dùng chip Intel về mọi mặt. Các điểm hiệu năng benchmark sơ bộ cho thấy chip M1 cạnh tranh ngang ngửa với mẫu Core i9 mạnh nhất cho laptop.
Câu hỏi không còn là "tại sao phải đánh cược vào vi xử lý mới, chưa được kiểm chứng của Apple", mà chuyển thành "các đối thủ như Intel, AMD và Qualcomm sẽ đối phó như thế nào".
Intel và AMD đã cạnh tranh suốt nhiều năm với hàng loạt cải tiến về hiệu năng CPU, thời lượng dùng pin và đồ họa tích hợp. Apple dường như không liên quan đến cuộc chiến này, nhưng sự tương trợ giữa phần cứng và phần mềm từng làm nên thành công cho iPhone, iPad đang bắt đầu được áp dụng trên Mac.
Phần cứng của Apple mạnh hơn, trong khi phần mềm của hãng được thiết kế để tận dụng tối đa phần cứng, điều mà những bản MacOS được tối ưu tốt hóa nhất trên nền x86 cũng không làm được. Kỹ sư David Smith của Apple cho biết các ứng dụng cấp thấp của MacOS chạy trên M1 nhanh gấp năm lần sản phẩm của Intel, bởi Apple thiết kế chip hoàn toàn mới cho riêng các tác vụ này. Đó cũng là lý do Mac dùng chip M1 có thể làm được nhiều việc với ít RAM hơn sản phẩm chạy nền Intel.
Apple cũng đạt nhiều thành tựu với Rosetta 2, nền tảng giả lập cho phép chạy ứng dụng x86 cũ trên nền chip M1. Đây cũng là phần then chốt trong chiến lược phần mềm của Apple, cho phép chạy phần mềm cũ trên Mac mới mà không ảnh hưởng tới hiệu nặng. Apple gần như đã tính tới việc tối ưu hóa Rosetta 2 trong thiết kế chip M1, giúp người dùng không phải chọn giữa hiệu năng tối đa trên ứng dụng dành cho nền tảng ARM với suy giảm hiệu năng trong ứng dụng x86 cũ.
Điều thú vị nhất là M1 chỉ đánh dấu điểm khởi đầu với vai trò CPU thế hệ đầu tiên, thay thế chip xử lý trong những dòng laptop rẻ và yếu nhất của Apple. Vẫn còn nhiều tiềm năng khi Apple hoàn thiện được thiết kế của dòng chip M, cũng như lặp lại thành công với các CPU cao cấp.
Điều an ủi duy nhất với laptop x86 truyền thống hiện nay là chỉ có Apple đạt được tốc độ, hiệu năng phần mềm và thời lượng pin vượt trội trên nền tảng ARM nhờ quyền kiểm soát gần như tuyệt đối với phần cứng và phần mềm.
Hiện chưa rõ các công ty như Qualcomm và Microsoft có thể thành công như Apple với thế hệ laptop nền ARM chạy Windows tiếp theo hay không. Nó sẽ đòi hỏi tái cấu trúc Windows, gây ảnh hưởng tới nhiều nhóm khách hàng hơn thay đổi của Apple.
Microsoft tự thiết kế laptop Surface và phối hợp với Qualcomm để chế tạo chip SQ1, SQ2 cho dòng Surface Pro X, nhưng vẫn không có quyền kiểm soát hệ sinh thái phần cứng và phần mềm mang lại thành công cho dòng M1.
Những chiếc Macbook Air và Macbook Pro 13 không phải lựa chọn hoàn hảo cho tất cả mọi người, nhất là với khách hàng chạy ứng dụng nặng về chip đồ họa hoặc công cụ phát triển riêng biệt. Nhưng nó đặt ra thách thức không nhỏ khi một chiếc laptop có giá 1.000 USD có thể vượt mặt mẫu Macbook Pro giá 6.000 USD dùng chip mạnh nhất của Intel và dung lượng RAM gấp bốn lần, trong khi vẫn nhỏ gọn và có thời lượng pin cao gấp đôi.
Điệp Anh (theo The Verge)