Theo Counterpoint Research, trong quý II, tổng giá trị smartphone xuất xưởng trị giá 96 tỷ USD, tăng 25% so với trước đó. Việc tăng trường mạnh trong thời điểm các hãng sản xuất smartphone đang phải đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện là rất ấn tượng.
Trong tổng số doanh thu, Apple chiếm 41% so với mức 34% của năm ngoái - một kỷ lục mới của hãng. Counterpoint Research cho rằng thành công liên tục của iPhone những tháng gần đây là nhờ vào nhu cầu tăng cao đối với iPhone 12 và việc Apple quản lý tốt chuỗi cung ứng của mình. Trong khi các thương hiệu smartphone khác bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu, Apple không bị ảnh hưởng nhiều, tình trạng thiếu chip chỉ ảnh hưởng đến các mẫu iPhone thế hệ trước - vốn sử dụng chip xử lý đời cũ hơn. Trừ khi xảy ra sự cố khủng khiếp, Apple sẽ không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề lớn nào về iPhone 12 những tháng tới. Dòng iPhone 13 dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới cũng được dự đoán không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.
Ở vị trí thứ 2 vẫn là Samsung. Tuy nhiên, hãng điện tử Hàn Quốc chỉ chiếm 15% doanh thu toàn ngành, giảm 2% so với quý II năm ngoái. Samsung đã chuyển hướng tập trung vào smartphone cao cấp tại các thị trường như Mỹ để tối đa hoá tiềm năng về doanh thu trong tình hình nguồn cung thiếu hụt hiện nay. Hãng Hàn Quốc cũng đang đa dạng hoá các dòng sản phẩm của mình trên toàn thế giới. Nhưng với sự thiếu hụt nguồn cung, có thể Xiaomi sẽ vượt lên khi hãng này liên tục tăng trưởng mạnh và hưởng lợi từ việc Huawei bị cấm vận.
Xiaomi, Oppo và Vivo cũng tăng trưởng mạnh về doanh thu khi đều chiếm 9% trên tổng số doanh thu toàn ngành. Xiaomi vẫn phụ thuộc vào các dòng smartphone giá rẻ và tầm trung. Thành công của Oppo nhờ vào việc mở rộng thị trường toàn cầu bên cạnh việc duy trì doanh thu tại Trung Quốc. Vivo chủ yếu nhờ vào các sản phẩm tầm trung của hãng.
Các thương hiệu còn lại chỉ chiếm 17% tổng doanh thu toàn ngành.