Các linh kiện bên trong iPhone thường có mã QR để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, theo The Information, ngay cả màn hình điện thoại cũng được in một mã QR nhỏ từ năm 2020.
Vì kích thước "chỉ bằng hạt cát", người dùng khó phát hiện mã trừ khi có thiết bị chuyên dụng. Trên thế hệ iPhone 12, mã nằm phía trên loa trước. Một số mẫu iPhone có mã khắc bằng laser ở mặt sau kính, phân bổ ngẫu nhiên dọc theo các đường viền màn hình. Các mã được thêm vào trong những giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất.
Cũng theo nguồn tin, khác với mã QR thông thường, mã ẩn giúp Apple theo dõi, kiểm soát tỷ lệ sản phẩm lỗi từ Lens Technology và Biel Crystal - hai đối tác có trụ sở tại Trung Quốc. Nhờ lắp đặt thiết bị quét mã tại xưởng, Apple nắm được chính xác số màn hình và giá trị vật liệu bị lãng phí do lỗi.
Trước đây, thống kê cho thấy trung bình cứ mười tấm nền màn hình iPhone được sản xuất sẽ có ba tấm bị loại bỏ. Kể từ khi hệ thống QR ẩn được triển khai dưới áp lực của Apple, tỷ lệ này giảm xuống còn 10%. Do phải thanh toán toàn bộ chi phí nguyên vật liệu, việc giảm lỗi giúp hãng tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Quá trình phát triển mã QR siêu nhỏ không dễ dàng. Giai đoạn đầu, Apple gặp nhiều khó khăn vì dấu khắc laser khiến màn hình yếu đi. Trong các thử nghiệm thả rơi, vết nứt luôn xuất hiện ở vị trí đặt mã. Vấn đề chỉ được khắc phục khi kỹ sư của hãng tạo công nghệ in bằng thấu kính siêu nhỏ, sử dụng đèn chiếu dạng vòng.
The Information cho biết Lens Technology và Biel Crystal muốn ngăn việc xác định tỷ lệ màn hình lỗi của Apple nhưng không thành công. Bên cạnh đó, ngoài dữ liệu về nhà cung cấp, mã QR ẩn được cho là giúp ghi nhận thêm nhiều thông tin liên quan đến quá trình sản xuất. Apple không bình luận về sự tồn tại của các mã QR siêu nhỏ này.
Hoàng Giang