Theo 9to5mac, sự việc mới nhất mà Apple đang phải đối mặt là từ một nhóm người dùng Apple Watch tại Mỹ. Đơn kiện tập thể vừa gửi lên tòa án cáo buộc Apple đã bán ra những chiếc smartwatch dính lỗi về thiết kế ngay từ khi xuất xưởng. Biểu hiện của chúng là bị nứt vỡ hoặc tự tách màn hình dù không chịu bất cứ tác động lực lớn nào.
"Apple đã bán đồng hồ lỗi cho chúng tôi từ đời đầu đến Series 3. Hãng biết điều đó ngay từ đầu nhưng chủ động che giấu. Chúng tôi đã phàn nàn từ đó đến nay nhưng không được phúc đáp. Quá trình bảo hành cũng gặp nhiều khó khăn và họ thường từ chối với lý do 'thiệt hại ngẫu nhiên', bắt người dùng phải chịu hậu quả", trích nội dung đơn kiện.
Vụ kiện đòi bồi thường 5 triệu USD.
Apple từng thừa nhận hai vấn đề đối với Apple Watch đời đầu là phồng pin và nắp lưng tự bung, đồng thời sửa sai bằng cách tăng thời gian bảo hành từ hai năm lên ba năm cho sản phẩm này. Sau đó ít lâu, hãng tiếp tục phải cung cấp bảo hành mở rộng cho Watch Series 2 với lỗi tương tự. Gần đây nhất, nhiều người dùng cho biết Watch Series 3 bị lỗi sọc màn hình và hãng cũng thừa nhận vấn đề. Dù không có trường hợp nào bị nứt hoặc bị tách màn hình, một số chuyên gia cho rằng nó có thể là kết quả của việc pin bị phồng.
Cách đây ít ngày, Apple đã công bố iOS 12 tại sự kiện WWDC 2018, trong đó giới thiệu Shortcuts - tính năng hỗ trợ tạo các phím tắt giọng nói liên quan đến hành động của Siri hoặc gợi ý những việc bạn làm hàng ngày. Tuy nhiên, nó đã bị một công ty blockchain tại Mỹ cáo buộc sao chép logo, đồng thời yêu cầu phải bồi thường khoản tiền 200.000 USD hoặc phải thay logo mới.
Giữa tháng 5, Toà án quận Bắc California (Mỹ) tiếp nhận đơn kiện Apple từ một số người dùng MacBook, trong đó cho biết họ liên tục gặp phải lỗi không phản hồi khá khó chịu khi sử dụng bàn phím trên các mẫu MacBook từ năm 2015, 2016 nhưng gần đây thậm chí trên các phiên bản mới hơn.
Bên cạnh đó, các Macbook sử dụng phím bướm Butterfly cũng gặp lỗi dễ hỏng, không phản hồi. Thông thường, laptop sử dụng bàn phím cơ chế scissor (cắt kéo). Nhưng khi chuyển qua bàn phím mới của Apple, mức độ gặp lỗi tăng lên. Theo Appleinsider, tỷ lệ máy có lỗi tăng lên 11,8 %, thay vì chỉ 5,6% như trước đó. Trong khi việc sửa chữa phím MacBook không đơn giản bởi nếu hỏng một phím, người dùng sẽ phải thay cả cụm (bàn phím, pin, mặt kim loại và cổng Thunderbolt 3) với giá lêntới 700 USD (khoảng 16 triệu đồng).
Cũng trong tháng 5, một đơn kiện tập thể khác nhằm vào Powerbeats3 Wireless dành cho người tập thể dục. Tai nghe không dây này được Apple quảng cáo là có thể chống nước, mồ hôi và có thời lượng pin lên tới 12 tiếng. Nhưng trên thực tế, những người khởi kiện cho rằng công ty Mỹ đã nói quá ba yếu tố này, đồng thời yêu cầu cấm bán.
iPhone X cũng là một trong số các sản phẩm liên quan đến vụ kiện nhắm vào Apple. Đầu tháng 5, Corephotonics - một công ty chuyên về camera của Mỹ - đã cáo buộcApple dùng sáng chế của họ cho camera kép trên smartphone mới.
Ngoài ra, tính năng không làm phiền khi lái xe "Do Not Disturb While Driving" trên iOS cũng bị một tổ chức tại Mỹ có tên Alert Signal Intellectual Property đưa ra tòa. Trong đơn, nhóm này cáo buộc Apple vi phạm 4 bằng sáng chế liên quan đến điều kiện tiếp nhận các thông báo, tin nhắn và các hình thức liên lạc khác trên các thiết bị thông minh khi đang di chuyển.
Trong hầu hết các trường hợp, Apple không đưa ra bình luận nào.
Bảo Lâm