Võ Trần, công ty đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple, đã gửi thông báo với nội dung cảnh báo tới các cửa hàng bán lẻ đang sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, Apple, iPhone và nhiều tên gọi khác như App Store, Apple Store, iPad, iPod, Macbook... tại Việt Nam. Theo văn bản được gửi đi ngày 28/3, các tên thương hiệu trên đều đang được bảo hộ tại Việt Nam. Theo công ty Võ Trần, việc sử dụng các nhãn hiệu này mà không được sự cho phép của Apple là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Không những vậy, văn bản này chỉ ra có thời điểm, các cửa hàng này kinh doanh "sản phẩm mang nhãn hiệu Apple nhưng không phải hàng chính hãng mà là hàng giả mạo nhãn hiệu. Việc này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được uỷ quyền của công ty Apple khi họ mua và sửa chữa sản phẩm của Apple tại đây".
Công ty Võ Trần đã yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản phải chấm dứt sử dụng bất hợp pháp các thương hiệu trên của Apple trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo, cũng như phải dừng ngay lập tức việc kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Apple.
Theo anh Trịnh Thái Dương, chủ hệ thống bán lẻ Thái Dương Mobile (TP HCM), cách đây 4 năm, Apple cũng từng gửi văn bản như vậy đến các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Sau khi gỡ bỏ theo yêu cầu, cửa hàng kinh doanh bình thường. Hiện nay, khá nhiều cửa hàng mới mở sử dụng thương hiệu của Apple nên hãng gửi lại thông báo.
Hiện tại, sản phẩm của Apple được nhập về theo đường xách tay là mặt hàng chủ lực của các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam nhờ mức giá tốt hơn so với hàng chính hãng, cũng như thời điểm có hàng sớm hơn hàng chính hãng rất nhiều. Giống như của Nokia cách đây 10 năm, các cửa hàng này đều sử dụng logo và bảng hiệu có hình quả táo cắn dở.
Trong Road Trip 2015 tới Việt Nam, phóng viên tạp chí công nghệ CNet đã ngạc nhiên trước tình trạng "cuồng" Apple của người tiêu dùng. "Gần như mọi con đường ở Hà Nội đều có một cửa hàng bán iPhone hoặc sử dụng logo của Apple để hút khách. Logo của hãng này cũng xuất hiện trên đủ thứ, từ mũ bảo hiểm cho tới áo khoác", tạp chí này viết. Còn "tại các quán cafe vỉa hè, mọi người có thể ngồi hàng giờ cùng bạn bè nhâm nhi cafe sữa đá và giết thời gian với iPhone, iPad".
Sắp tới, hàng Apple xách tay sẽ không còn được hỗ trợ và bảo hành theo chính sách của hãng này tại Việt Nam nếu như người dùng không xuất trình được hóa đơn mua bán cho đúng máy đó (SN/IMEI) từ các điểm bán ủy quyền của Apple trên toàn cầu.
Tình trạng cửa hàng bán đồ điện thoại treo logo Apple tại Trung Quốc cũng từng làm "điên đầu" Apple như tại Việt Nam hiện nay. Trong khi Apple chỉ có bốn cửa hàng chính thức Trung Quốc, hai ở Thượng Hải và hai ở Bắc Kinh, thì trên con phố nằm ở phía nam Thẩm Quyến đã có hơn 30 cửa hàng mang logo Apple, nhưng chỉ có một cửa hàng chính thức và 5 đại lý ủy quyền được Apple cấp phép. Điều này có nghĩa, hầu hết các cửa hàng trong khu vực đều là nhái, dù họ bán hàng thật và còn cho đặt cả những model mới ra. Dân số quá đông, sức tiêu thụ cực kỳ lớn, vượt qua khả năng cung ứng là điều kiện thuận lợi để những Apple Store nhái phát triển mạnh tại Trung Quốc.
Việt Nam với Trung Quốc giống nhau ở điểm có rất nhiều "fan" của Apple và họ sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu iPhone sớm hơn những người khác. Đây cũng là lý do nhiều dân buôn đã nhập các mẫu iPhone mới ra mắt từ Mỹ, Hong Kong rồi đưa lậu qua biên giới về bán với giá cao gấp nhiều lần.
Tình trạng cửa hàng nhái của Apple tại Trung Quốc lên báo Tây. Nguồn: BI.
Xem thêm: Hội chứng cuồng Apple tại Việt Nam dưới góc nhìn CNet