Theo Kuo, loạt iPhone 2022 vẫn sẽ có bốn phiên bản, nhưng chỉ có hai kích thước màn hình: 6,1 inch và 6,7 inch, chia đều cho hai phiên bản cao cấp (Pro) và thấp hơn. Hiện tại, loạt iPhone 12 đang có mặt trên thị trường với ba kích thước: iPhone 12 mini 5,4 inch; iPhone 12, 12 Pro 6,1 inch và iPhone 12 Pro Max là 6,7 inch.
Các chuyên gia nhận định nếu dự đoán của Kuo chính xác, Apple đang không còn mặn mà với phiên bản mini của iPhone, bởi doanh số bán hàng của sản phẩm đang không như mong đợi.
Theo báo cáo từ các chuỗi cung ứng châu Á và các công ty phân tích thị trường, iPhone 12 mini là smartphone có doanh số thấp nhất trong loạt iPhone 12 ra mắt cuối năm ngoái. Morgan Stanley tiết lộ rằng, Apple đã giảm hai triệu iPhone 12 mini trong quý tài chính đầu tiên của năm 2021 do nhu cầu kém. Lượng đơn hàng này sẽ được chuyển sang cho iPhone 12 Pro - mẫu smartphone đang có doanh số cao.
Còn theo Digitimes, lượng đơn đặt hàng sản xuất iPhone 12 mini mà đối tác Pegatron nhận được cũng giảm mạnh. Nguyên nhân là do doanh số của thiết bị này không như kỳ vọng tại hai thị trường trọng điểm - Mỹ và châu Âu, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
iPhone 12 mini là mẫu smartphone đầu tiên của Apple có màn hình 5,4 inch, độ phân giải 1.080 x 2.340 pixel. Đây là một trong những mẫu máy nhỏ gọn nhất của Apple hiện nay, trong khi vẫn sở hữu cấu hình tiên tiến - vi xử lý Apple A14 Bionic, kết nối 5G, camera kép 12 megapixel. Pin của máy khá thấp, chỉ ở mức 2.227 mAh.
Nói về loạt iPhone 2022, Kuo cho biết, smartphone mới sẽ được nâng cấp mạnh mẽ về camera, trong đó, sử dụng cảm biến chính 48 megapixel do Sony sản xuất, cũng như đưa vào các thành phần đắt tiền để tăng độ phân giải và chất lượng hình ảnh. Bên cạnh đó, camera mới cũng có những tính năng hỗ trợ AR và các nội dung phù hợp với kính AR mà Apple sắp ra mắt.
Kuo cũng đề cập một số chi tiết về iPhone 2023. "Chuyên gia tin đồn" này tiết lộ thiết bị sẽ dùng camera dạng "tiềm vọng". Ngoài ra, Face ID có thể được dời đến vị trí phù hợp hơn, phần "tai thỏ" (notch) cũng bị loại bỏ.
Bảo Lâm (theo CNBC)