Bắc Kinh đã soạn ra loạt quy tắc liên quan tới bảo vệ an ninh dữ liệu, trong đó có thể khiến Apple và nhiều công ty công nghệ nước ngoài phải tăng lượng dữ liệu lưu trữ tại Trung Quốc, cũng như ngăn họ chuyển thông tin này ra khỏi biên giới. Một đạo luật đã được ban hành từ tháng 9, trong khi một đạo luật khác dự kiến có hiệu lực từ 1/11.
Giới chuyên gia dự đoán Apple sẽ là mục tiêu tiếp theo phải hứng chịu áp lực từ giới chức Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường quan trọng với Apple. Công ty từng nhiều lần nhượng bộ về quyền riêng tư và an ninh tại nước này trong quá khứ. Tuy nhiên, Apple có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ giới chức và các nhà hoạt động ở Mỹ nếu tuân thủ quy định mới của Trung Quốc.
Ngược lại, nếu Apple từ chối tuân thủ, Bắc Kinh có thể đặt ra các rào cản với hoạt động của hãng, bao gồm chặn và đóng cửa dịch vụ. Giới chức Trung Quốc nhiều lần bày tỏ lo ngại dữ liệu của công dân nước này được lưu trữ ở nước ngoài có thể bị tình báo Mỹ truy cập.
Apple vẫn đang lưu trữ nội dung iCloud trên máy chủ ở quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng quy định mới sẽ buộc họ phải phải giữ các dữ liệu nhạy cảm như số liệu thống kê sử dụng iPhone và nhật ký liên lạc ở trong biên giới Trung Quốc.
Với lý do "tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân", các đạo luật mới của Trung Quốc cũng đã buộc Tesla lưu thông tin tài xế trên các máy chủ ở nước này. Cuối tháng 5, đại diện công ty khẳng định mọi dữ liệu mà phương tiện của họ thu thập được ở Trung Quốc sẽ không được gửi đi bất cứ đâu.
Trong khi đó, tuần trước, LinkedIn, mạng xã hội việc làm lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố ngừng hoạt động ở đây từ cuối năm nay do yêu cầu kiểm duyệt ngày càng cao từ nước này.
Apple đang là tập đoàn công nghệ lớn cuối cùng của Mỹ chưa đối mặt với áp lực từ những đạo luật dữ liệu mới, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi khi thống kê cho thấy iPhone đang chiếm 25% thị phần tại Trung Quốc.
Điệp Anh (theo Apple Insider)