Shanghai Zhizhen Network Technology vừa đệ đơn lên tòa án Thượng Hải hôm 3/8, cáo buộc iPhone, iPad và các sản phẩm tích hợp Siri của Apple xâm phạm sở hữu trí tuệ của hãng. Theo WSJ, Zhizhen Network Technology sở hữu sáng chế về trợ lý ảo có tên Xiao-i, mà theo họ, Siri có tính năng tương tự.
Trong đơn kiện, Zhizhen Network Technology cáo buộc Apple đánh cắp tính năng kích hoạt bằng giọng nói của Xiao-i cho Siri, cho phép người dùng kiểm tra chính tả, đọc tin nhắn văn bản hoặc báo thức... trên thiết bị được tích hợp. Công ty AI có trụ sở tại Thượng Hải yêu cầu hãng điện tử Mỹ trả 10 tỷ nhân dân tệ (1,43 tỷ USD) thiệt hại, đồng thời muốn Apple ngừng sản xuất và bán các thiết bị vi phạm tại Trung Quốc.
Apple cho biết họ thất vọng với đơn kiện này, đồng thời khẳng định Siri không chứa các tính năng vi phạm như cáo buộc. "Chúng tôi mong muốn được trình bày sự thật trước tòa, đồng thời tiếp tục cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng", đại diện Apple cho biết.
Năm 2011, Apple ra mắt iPhone 4S kèm Siri. Một năm sau, Zhizhen Network Technology gửi đơn kiện, cáo buộc trợ lý ảo này vi phạm sáng chế của hãng. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải khi đó khẳng định công nghệ nhận diện giọng nói Xiao-i của hãng đã được đệ trình năm 2004 và nhận bản quyền năm 2009.
Năm 2014, Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 của Bắc Kinh phán quyết Apple vi phạm bản quyền về nhận dạng giọng nói của Zhizhen Network Technology. Apple kháng cáo. Một năm sau, Toà án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh đảo ngược phán quyết, nói Apple không vi phạm sáng chế.
Tháng 6/2020, Toà án Tối cao Trung Quốc ra phán quyết rằng, Shanghai Zhizhen Network Technology quả thực sở hữu bằng sáng chế về trợ lý ảo. Quyết định này kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm giữa hai công ty tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn kiện mới nhất tiếp tục thổi bùng tranh chấp giữa cả hai.
Một số chuyên gia đánh giá, công ty ở Thượng Hải này có thể ngăn Apple bán sản phẩm của mình tại Trung Quốc. "Nếu Shanghai Zhizhen Network Technology yêu cầu áp dụng lệnh cấm sơ bộ, tòa án có thể quyết định cấm Apple bán các sản phẩm tích hợp Siri ở Trung Quốc trong suốt thời gian xét xử", Fang Jianwei, một cựu thẩm phán của tòa án Trung Quốc, hiện là chuyên gia của hãng luật Zhong Lun Law Firm, nhận định.
Tuy nhiên, ông Fang cho rằng những lệnh cấm như vậy phải đáp ứng rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt và hiếm khi được tòa án Trung Quốc thông qua. "Công ty công nghệ này chưa chắc giành chiến thắng chắc chắn trong vụ kiện", Fang nói. "Có những công nghệ cơ bản đằng sau bằng sáng chế của Siri và đủ khác biệt để ủng hộ Apple".
Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng thứ hai của Apple sau Mỹ. Tuy nhiên, gần đây công ty đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng điện tử trong nước, như Huawei, Xiaomi, Oppo...
Apple cũng từng đối mặt nhiều vụ kiện lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc kể từ 2012. Tháng 7 năm đó, công ty phải chi tới 60 triệu USD nhằm thoả thuận với Proview của Trung Quốc để được dùng thương hiệu "iPad" tại thị trường này. Bốn năm sau, tòa án Bắc Kinh ra phán quyết có lợi cho Xintong Tiandi, một doanh nghiệp chuyên sản xuất ví, túi xách, ốp điện thoại và đồ da, về thương hiệu "IPHONE". Điều này buộc Apple phải "dùng chung" thương hiệu với Xintong Tiandi để được tiếp tục kinh doanh tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Bảo Lâm (theo WSJ)