Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Apple đang trao tiền thưởng cho một nhóm nhỏ nhân viên được chọn trong bộ phận phần mềm và phần cứng. Những người này được yêu cầu giữ bí mật với các đồng nghiệp khác. Phần thưởng nằm trong khoảng từ 100.000 đến 200.000 USD và được quy đổi ra cổ phiếu.
Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về thông tin trên. Trước đây, công ty cũng từng đưa ra khoản thưởng đặc biệt, giá trị tối đa 180.000 USD cho nhân viên, ưu tiên cho nhóm làm phần cứng, nhất là các kỹ sư thiết kế chip và kính thực tế ảo.
Các khoản thưởng được xem như biện pháp đặc biệt nhằm giữ chân nhân tài, đảm bảo họ không rời đi trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực ở Thung lũng Silicon ngày càng nóng. Nếu ở lại Apple càng lâu, phần thưởng nhận được cũng càng lớn vì giá trị cổ phiếu của công ty liên tục tăng theo thời gian. Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 40% giá trị.
Những báo cáo trước đó cho thấy Apple đã mất nhiều kỹ sư trong nhóm thiết kế chip vào tay Meta - công ty mẹ của Facebook. Từ khi đổi tên và cho thấy tham vọng trong metaverse, CEO Mark Zuckerberg đã tăng cường tuyển dụng các kỹ sư từ những gã khổng lồ trong Thung lũng Silicon.
Theo Bloomberg, lạm phát cũng gây áp lực buộc các nhà tuyển dụng phải tăng lương. Việc Apple chuẩn bị quay trở lại văn phòng cũng gây nhiều căng thẳng trong nhân viên. Theo quy định mới, đến tháng 5, Apple sẽ yêu cầu nhân viên phải đến công ty ba ngày một tuần.
Không chỉ Apple, các công ty công nghệ lớn khác như Facebook, Google, Amazon cũng đang chi bộn tiền để thu hút nhân tài. Business Insider tổng hợp nguồn tin từ tám nhà tuyển dụng hàng đầu của Mỹ cho biết Thung lũng Silicon đang chuyển dịch lớn về nhân sự. Xu hướng các giám đốc điều hành và nhà phát triển cấp cao rời những công ty có tên tuổi để chuyển sang các doanh nghiệp nhỏ hơn về tiền điện tử và dự án công nghệ phi tập trung khác ngày càng tăng.
Còn theo New York Times, bên cạnh cuộc chạy đua vì sợ bỏ lỡ cơ hội, ngày càng nhiều tinh hoa công nghệ Mỹ chuyển hướng nghề nghiệp vì tin rằng blockchain đang đi theo con đường của máy tính cá nhân và Internet - những thứ từng bị hoài nghi trước khi đặt nền móng cho thế hệ tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay.
Khương Nha (theo Bloomberg)