Trong thập kỷ qua, câu chuyện về doanh thu của Apple gần như chỉ liên quan đến iPhone. Tuy nhiên, những năm gần đây, hãng điện tử Mỹ đã tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn, bao gồm thiết bị di động, thiết bị đeo, dịch vụ, phụ kiện, thanh toán, tài chính...
Cách tiếp cận đa dạng này được đánh giá là quan trọng, giúp Apple giảm phụ thuộc vào một sản phẩm hoặc lĩnh vực nào đó. iPhone đang tạo ra doanh thu nhiều nhất, nhưng CEO Tim Cook trong thời gian qua luôn "ám chỉ" về những sản phẩm sẽ kế nhiệm cho smartphone này trong tương lai.
Số người mua iPhone mới hiện đã theo chiều hướng giảm kể từ cột mốc kỷ lục 129 triệu máy vào 2016, theo nhà phân tích Neil Cybart của Above Avalon. Đến 2019, con số chỉ còn 48 triệu máy và được dự đoán tiếp tục giảm những năm tới.
Mặc cho doanh số iPhone giảm, doanh thu hàng quý của Apple vẫn cao kỷ lục. Trong đó, dịch vụ là mảng "đẻ" ra tiền mới cho công ty. Trong quý tài chính kết thúc vào ngày 28/3 vừa qua, mảng này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm 23% tổng doanh thu của hãng. Số tiền khổng lồ này chủ yếu đến từ đăng ký iCloud, Apple Music, Apple TV, hoa hồng bán hàng ứng dụng, được Google thanh toán khi đặt công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari...
"Nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn do Covid-19, người dùng sẽ mua ít điện thoại hơn và giữ thiết bị của mình lâu hơn. Điều này có thể dẫn đến việc chi tiêu nhiều cho ứng dụng và dịch vụ", Patrick Moorhead, Chủ tịch hãng nghiên cứu công nghệ Moor Insights & Strateg, nhận xét.
Thống kê của Above Avalon cho thấy, Apple có khoảng 1,5 tỷ thiết bị đang hoạt động, trong đó khoảng một tỷ là iPhone. "Một nửa trong số một tỷ người này đang chỉ sử dụng duy nhất smartphone của Apple. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Apple tiếp tục phát triển mảng dịch vụ", ông Cybart nhận xét.
Trong một buổi phỏng vấn qua điện thoại mới đây, Giám đốc tài chính Apple Luca Maestri, cho biết công ty đã bán các sản phẩm như thiết bị đeo, phụ kiện, tai nghe, loa thông minh... với tổng doanh thu 6,3 tỷ USD trong quý II/2020. Số tiền này tương đương một công ty nằm trong top Fortune 140. Suy rộng ra, mảng thiết bị đeo và phụ kiện của Apple đang mang về tới 22,5 tỷ USD mỗi năm.
Trước thềm Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), có tin cho rằng Apple sẽ không sử dụng chip Intel cho máy Mac, MacBook và thay bằng chip ARM "cây nhà lá vườn". Theo Moorhead, đây cũng là cách để cắt giảm chi phí và tạo doanh thu trong tương lai. Ông ước tính, với mỗi MacBook, Apple có thể tiết kiệm được 150 USD.
Ngoài ra, Apple có thể thúc đẩy các lĩnh vực khác thông qua việc bán thiết bị phần cứng. Hôm 15/6, công ty cho biết sẽ cho trả góp iPhone, iPad, AirPods... không lãi suất qua thẻ Apple Card. Đây sẽ là cách để công ty Mỹ thúc đẩy phổ biến Apple Card cũng như các dịch vụ tài chính khác để tăng doanh thu thời gian tới.
Tất nhiên, Apple sẽ giảm phụ thuộc iPhone, nhưng không có nghĩa là không chú trọng. "iPhone vẫn là cốt lõi của hệ sinh thái Apple", một chuyên gia bình luận. "Nếu smartphone này bị mất quá nhiều thị phần, guồng quay thành công của các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng lớn, thậm chí bị đình trệ hoặc sụt giảm".
Bảo Lâm (theo WSJ)