Với chính sách mới, người dùng sản phẩm Apple không cần đến cửa hàng hoặc đơn vị uỷ quyền bên thứ ba để sửa chữa thiết bị. Các model đầu tiên được áp dụng là iPhone 12, iPhone 13, máy Mac chạy chip M1.
Chương trình mới được Apple gọi là "Tự phục vụ và sửa chữa", bắt đầu được triển khai từ đầu năm sau tại Mỹ, sau đó sẽ mở rộng ra một số quốc gia khác. Trước mắt, công ty sẽ bán linh kiện như màn hình, pin và module camera cho người dùng tự thay thế.
Tuy nhiên, đại diện Apple khuyến cáo chương trình này chỉ dành cho "kỹ thuật viên cá nhân có kiến thức và kinh nghiệm sửa chữa thiết bị điện tử". Trong khi đó, người dùng phổ thông nên tìm đến các thợ lành nghề hoặc cửa hàng để tránh gặp sự cố. Việc tự thực hiện sẽ không làm mất hiệu lực bảo hành của thiết bị.
Theo các chuyên gia, chiến lược mới là thay đổi lớn từ Apple - công ty vốn luôn hạn chế người dùng và bên thứ ba can thiệp vào thiết bị của mình. Bên cạnh đó, bước đi này cũng giúp người dùng thoải mái hơn khi chọn nơi sửa chữa, thay vì phải đến các trung tâm do Apple uỷ nhiệm vốn có giá đắt đỏ.
iFixit, website chuyên "mổ xẻ" các thiết bị di động, đánh giá cao động thái mới. Elizabeth Chamberlain, chuyên gia cấp cao của iFixit, cho rằng quyết định này là "sự nhượng bộ đáng kể" đối với người dùng, nhưng lưu ý đây không phải là "cuộc cách mạng về tự do sửa chữa" vì vẫn có nhiều hạn chế, như phải mua linh kiện trực tiếp từ Apple thay vì bên thứ ba.
Apple cho biết sẽ bán hơn 200 bộ phận và công cụ riêng, cũng như sách hướng dẫn sửa chữa cho khách hàng, nhưng chưa công bố giá bán. Công ty cũng thu mua lại linh kiện bị loại bỏ sau khi sửa chữa và tái chế chúng.
Bảo Lâm (theo The Verge)