Tại hội thảo "Hoàn thiện mô hình hoạt động của doanh nghiệp theo các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, Tổng cục cần phổ biến rộng rãi mô hình Giải thưởng tới cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận và áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được cần phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình, từ đó tăng cường sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Khi tham gia giải thưởng, doanh nghiệp phải đáp ứng bảy tiêu chí theo hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award – GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương. Bảy tiêu chí có tổng điểm là 1.000, trong đó: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm). Căn cứ vào kết quả xem xét, đánh giá về đề xuất của Hội đồng Quốc gia trên cơ sở các ý kiến của các UBND tỉnh, thành phố, Bộ Khoa học và Công nghệ lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ tặng giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, tại các nước có nền công nghiệp phát triển, giải thưởng chất lượng cũng được các doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng quan tâm. Giải thưởng không chỉ là hình thức tôn vinh về chất lượng, mà là công cụ, biện pháp thể hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực chất lượng. Giải thưởng của Việt Nam cũng theo mục tiêu này.
"Các doanh nghiệp khi tham dự giải thưởng không chỉ có cơ hội được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, còn là dịp được tiếp cận với mô hình sản xuất kinh doanh, công cụ tự đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của mình với các tiêu chí của giải thưởng để đánh giá toàn diện hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh theo chuẩn quốc tế, xác định hiện trạng của trình độ và chất lượng quản lý, xác định những thành tựu và điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp. Đây chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ ứng dụng mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia trong quản lý tại doanh nghiệp", ông Linh nói.
Sau 23 năm tổ chức Giải thưởng, đã có gần 2.000 doanh nghiệp đoạt giải, trong đó có 46 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh ở cấp độ quốc tế. Từ năm 2016-2018, ước tính doanh thu của các doanh nghiệp đoạt giải là hơn 500 ngàn tỷ đồng với lợi nhuận hơn 36 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 32 nghìn tỷ đồng.