Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13h áp thấp nhiệt đới ở bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất 49 km/h, cấp 6, giật tăng hai cấp. Hôm nay, áp thấp nhiệt đới theo hướng tây, tốc độ 15-20 km/h.
Đến 13h ngày mai, áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía bắc đông bắc, sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9. Sau đó nó theo hướng tây tây nam với tốc độ 15-20 km/h, tiến gần quần đảo Hoàng Sa và đến chiều 24/10 vẫn giữ cường độ cấp 6.
Trong 2-3 ngày tới, bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 m.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đưa ra hai kịch bản áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. Kịch bản 1 với xác suất 60-70%, áp thấp nhiệt đới tương tác với không khí lạnh, mạnh nhất sẽ đạt cấp 7 khi vào Biển Đông, khi đến quần đảo Hoàng Sa suy yếu thành vùng áp thấp.
Kịch bản 2 với xác suất khoảng 30-40%, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, sức gió mạnh nhất 75-88 km/h, cấp 8-9, duy trì cấp bão 1-2 ngày và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, áp tháp nhiệt đới tiếp tục suy yếu khi vào sát bờ biển miền Trung.
Các cơ quan khí tượng quốc tế chưa nhận định về cơn áp thấp nhiệt đới này.
Từ đầu năm tới nay, Biển Đông xuất hiện 6 cơn bão, 2 cơn áp thấp nhiệt đới. Dự báo xa từ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.