Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng sớm 2/11, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau - Bạc Liêu đã suy yếu thành một vùng áp thấp với gió dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km và suy yếu thêm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, hôm nay ở Nam Bộ tiếp tục có mưa, riêng miền Tây Nam Bộ mưa vừa, mưa to.
Trong khi đó, lúc 4h sáng nay tâm áp thấp nhiệt trên biển Đông còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía Đông Đông Bắc với gió mạnh cấp 7 (60 km/h), giật cấp 9.
Với tốc độ di chuyển khoảng 20 km mỗi giờ, áp thấp nhiệt đới được dự báo đi theo hướng Tây và có thể mạnh lên thành bão. Đến sáng 3/11, tâm bão ở trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, gió mạnh nhất đạt cấp 9 (90 km/h), giật cấp 11.
Khu vực giữa Biển Đông sẽ có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9; biển động.
Hàng loạt tàu cao tốc ở miền Tây ngưng hoạt động
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tàu cao tốc chở khách từ Rạch Giá, Hà Tiên ra đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du và ngược lại được lệnh tạm ngưng xuất bến trong hôm nay. Tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo cũng tạm ngưng hoạt động.
Hiện trên vùng Phú Quốc, quần đảo Nam Du sóng gió cấp 6-7; dự báo ngay tâm áp thấp đi qua tới cấp 9, nên toàn bộ các tàu cao tốc không được phép xuất bến.
Chỉ chuyến cao tốc 170 chỗ ngồi Rạch Giá – Hòn Sơn (huyện Kiên Hải) cách đất liền 45 km được phép hoạt động do thời tiết trên vùng biển này sóng gió chỉ cấp 5, trong khi tàu chịu được sức gió cấp 7.
Ông Đinh Khoa Toàn – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết đến sáng nay có gần 3.000 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân các nơi vào đảo tránh trú áp thấp nhiệt đới.
"Chúng tôi sẵn sàng tối đa lực lượng và phương tiện để ứng phó tình huống xấu xảy ra, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân", ông Toàn nói.
Hữu Nguyên - Cửu Long