Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 10h sáng 26/7 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Mirinae (dải Ngân Hà). Đến 13h chiều, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía bắc với sức gió mạnh nhất 75 km/h, tương đương cấp 8.
Bão chủ yếu theo hướng Tây Bắc, vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và sáng 27/7 vào vịnh Bắc Bộ. Tối cùng ngày, bão đổ bộ vùng đông bắc Việt Nam, đi sâu đất liền, rồi suy yếu thành áp thấp.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương đưa ra hai khả năng bão đổ bộ. Trong đó khả năng cao nhất là bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng với cường độ 60-75 km/h, tương đương cấp 8. Phương án 2 ít xảy ra là bão đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ cũng với cấp 8. Trong cả hai khả năng, bão đều suy yếu nhanh và tan ở vùng núi phía bắc.
Mirinae được đánh giá có cường độ nhỏ, nhưng sẽ gây mưa to ở nhiều khu vực Bắc Bộ. Tâm mưa được xác định là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang... với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, có nơi 400 mm.
Trong đó, Hà Nội và đồng bằng cần đề phòng hiện tượng ngập úng; vùng núi tránh lũ quét, sạt lở đất. Ở Bắc Trung Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cũng có mưa 100-200 mm.
Ông Cường cảnh báo có một vùng áp thấp nhiệt đới ở xa Philippines. Khả năng bão dồn dập vào cuối năm nhưng với cường độ không lớn.
Theo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên, đến 12h ngày 26/7, trên 51.000 tàu với hơn 230.000 lao động đã được thông báo vị trí của bão. Bộ đội biên phòng đã chuẩn bị 13.000 cán bộ chiến sĩ, 67 tàu, 205 xuồng, canô các loại và 352 ôtô túc trực sẵn sàng ứng phó.
Ông Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải hoàn thành công tác ứng phó bão trước 18h ngày mai.