Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đầu giờ chiều nay tâm áp thấp nhiệt đới ở phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất 49 km/h, cấp 6, giật tăng hai cấp.
Đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ theo hướng bắc đông bắc, tốc độ 10 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 9/8, tâm bão ở đông bắc quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất 74 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,5; từ kinh tuyến 110 đến 115.
Trong hai ngày tiếp theo, bão theo hướng bắc sau đổi sang tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, duy trì sức gió cấp 8. Khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào chiều tối ngày 10/8, bão suy yếu dần. Khả năng từ ngày 10/8, hoàn lưu sau bão sẽ gây ra một đợt mưa ở miền Bắc.
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định, sáng mai áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió 65 km/h, sau đó giữ nguyên cường độ đi vào vịnh Bắc Bộ rồi suy yếu. Đài Hong Kong mới đưa ra nhận định ban đầu áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão vào rạng sáng mai.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão nên bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5 m.
Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 m, biển động.
Chiều nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới, kiểm đếm, thông báo cho chủ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Từ đầu năm đến nay có một cơn bão và một áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Dự báo cả năm có 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở khu vực này, trong đó khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.