Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h, áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía tây nam, sức gió mạnh nhất 49 km/h, cấp 6, giật tăng hai cấp. Những giờ tới, nó sẽ theo hướng tây bắc với tốc độ 5-10 km/h và có thể mạnh lên thành bão với sức gió tối đa 74 km/h (cấp 8).
Đến 10h ngày mai, tâm bão trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, sức gió cấp 8, giật tăng hai cấp. Bão sau đó không đổ bộ mà theo hướng bắc tây bắc, đi vào vịnh Bắc Bộ và tan dần.
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định ngày mai áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, sau đó suy yếu trở lại. Cơn bão này sẽ không đi vào đất liền mà dọc theo ven biển từ miền Trung lên Hải Phòng, Thái Bình.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bắc Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh dần từ cấp 6 đến 8, sóng cao 2-4 m. Từ hôm nay đến sáng 19/10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam mưa 100-250 mm, có nơi trên 350 mm. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum mưa 40-150 mm.
Áp thấp nhiệt đới phát triển từ dải hội tụ vắt qua miền Trung. Đây là một trong ba hình thái gây mưa, lũ dâng cao ở khu vực này trong 7 ngày qua (cùng với không khí lạnh, gió đông trên cao).
Mưa lũ làm 2 người chết, hơn 7.600 người ở tâm mưa Đà Nẵng, Thừa Thiên phải sơ tán, đến nay đã trở về nhà. Ngoài khơi miền Trung có gió mạnh, làm chìm 2 tàu câu mực, 15 ngư dân Quảng Nam mất tích. Lực lượng cứu hộ đang tổ chức tìm kiếm.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trưa nay đã có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực trong trường hợp cần thiết.