Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h áp thấp nhiệt đới ở phía đông đảo Luzon của Philippines, sức gió mạnh nhất 61 km/h, cấp 6-7, giật cấp 9 và đang theo hướng tây với tốc độ 15 km/h.
Đến 10h ngày mai, áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, tiếp tục theo hướng tây và tăng tốc độ lên 20 km/h, gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9. Đến 10h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão ở khu vực cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km, sức gió mạnh nhất cấp 8 (74 km/h), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng mai vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông mưa rào, giông mạnh, gió cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m.
Đài Nhật Bản dự báo áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão sau khi vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất có thể trên 72 km/h. Bão sẽ đi chếch lên phía bắc qua đảo Hải Nam và có thể vào vịnh Bắc Bộ.
Trước đó trưa 7/9, bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất cấp 14, các nơi khác cấp 12-13, giật cấp 17. Yagi cũng hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sau đó vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão chỉ trong 48 giờ. Vượt qua eo biển bán đảo Lôi Châu và Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, sức gió chỉ giảm 1-2 cấp.
Hoàn lưu sau bão Yagi kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ gây mưa lớn, lũ nhiều sông vượt kỷ lục tồn tại hơn 50 năm. Hơn 70.000 hộ dân ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội bị ngập. Hiện nhiều vùng trũng ven sông Hồng, Thái Bình, sông Bùi, sông Tích nước vẫn ngập đến nóc nhà, dự kiến duy trì 7-9 ngày nếu thời tiết không xấu đi.
Thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đến sáng 16/9, bão lũ đã làm 292 người chết, 39 người mất tích. Thiệt hại vật chất khoảng 40.000 tỷ đồng, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ đầu năm, Biển Đông đã có ba cơn bão. Cơ quan khí tượng dự báo mùa mưa bão năm nay có 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tập trung vào miền Trung từ nay đến tháng 11.