Chiều 3/6, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi lên phía Bắc, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Nam, sức gió tối đa 60 km/h, tương đương cấp 7, giật tăng hai cấp.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm nay và ngày mai, áp thấp nhiệt đới chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
![Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chiều 3/6. Ảnh: NCHMF.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/06/03/apthap1-7867-1528028075.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-W2DuJpiRLGsMnoENcusgQ)
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chiều 3/6. Ảnh: NCHMF.
Đến 13h ngày mai 4/6, tâm bão trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam khoảng 240 km, sức gió tối đa 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ vùng tâm bão.
So với dự báo buổi sáng, thời điểm áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão chậm hơn, phải đến chiều mai. Nguyên nhân là phía Đông của Philippines đang có một vùng xoáy thấp. Dự báo vùng xoáy thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và thành bão, tương tác với áp thấp nhiệt đới ở trong biển Đông khiến cho đường đi và cường độ của áp thấp nhiệt đới còn nhiều thay đổi.
Dự báo chiều nay của đài Việt Nam tương đồng với đài Hong Kong, đều cho rằng bão đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng ngày 6/6. Đài TSR của Đại học London (Anh) đã thay đổi hướng đi, cho rằng bão vào đảo Hải Nam, nhưng lệch về phía vịnh Bắc Bộ.
Vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ có gió mạnh, đất liền mưa to
Áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão khiến khu vực giữa biển Đông có mưa giông mạnh, gió mạnh tăng dần từ cấp 6 lên 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh. Ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa giông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.
Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 13 đến 17,5 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ kinh Đông.
![Biển Đông đang có nhiều nhiễu động.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/06/03/apthap2-7642-1528028075.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MJt6o6iHGf7ZQf_HvWPhEQ)
Biển Đông đang có nhiều nhiễu động.
Trên đất liền, do ảnh hưởng của rìa phía Tây hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa tây nam ở phía Nam hoạt động mạnh, đêm qua và hôm nay vùng ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa to, lượng mưa phổ biến 30-70 mm. Một số nơi mưa rất to như: Quảng Ngãi 130 mm, An Khê (Gia Lai) 103 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 180 mm.
Trong ba ngày tiếp theo, Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục mưa to và thi thoảng có giông. Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to (trên 100 mm trong 24 giờ) và giông. Trong cơn giông, người dân cần đề phòng tố lốc và gió giật mạnh.
Miền Bắc ba ngày đầu tuần trời nắng dưới 35 độ C, chiều tối có mưa giông vài nơi. Nhiệt độ tại Hà Nội dao động 25-34.
Áp thấp nhiệt đới được hình thành từ một vùng thấp trên biển Đông ngày 1/6. Nếu mạnh lên thành bão, đây sẽ là cơn bão thứ hai trên biển Đông trong năm nay. Cơn bão đầu tiên xuất hiện rất sớm, từ tháng 1.