"Phía trên một chút cứ cách căn nhà là có một cặp sinh đôi. Ngẫm nghĩ cũng thấy lạ", bà Phạm Ngọc Liệp, có hai cháu nội sinh đôi ở ấp nói.
17 cặp được đặt tên khá vần điệu như: Bảy Nghị - Tám Nghĩ, Như - Ý, Phước - Tài, Ngân - Hà, Lợi - Lộc, Bình - Minh, Chiến - Thắng, Kiều Chị - Kiều Em... Hai cặp lấy tên huyện và tỉnh là An - Phú và An - Giang. Một đôi lọt lòng đúng đỉnh lũ lịch sử năm 2000 nên lấy tên Lũ - Lụt. Hai em Kim Lý - Kim Yến được đặt theo tên hai tiệm vàng lớn ở TP Châu Đốc với hy vọng hai cô nhóc lớn lên thành bà chủ tiệm vàng.
Cặp song sinh đầu tiên nay đã 80 tuổi - bà Bảy Nghị và ông Tám Nghĩ. Đôi ít tuổi nhất là hai cháu Ngọc Như và Ngọc Ý đã lên 8 tuổi. Những cặp còn lại độ tuổi ngoài 40 và "nở rộ" nhất vào những năm 2000 đến 2013.
Chị Cao Thị Diễm, 39 tuổi, có cặp song sinh trai đã lên 9 tuổi. Hai vợ chồng làm mướn, thường xuyên thiếu trước hụt sau nên chẳng tính sinh đông con, định bụng sẽ kế hoạch hóa khi có cô con gái thứ 2. "Ai dè, đứa thứ 2 mới 10 tháng là có bầu trộm. Tui hỏi ảnh con còn nhỏ quá, anh tính sao. Ảnh nói thôi sinh đại đi, tạo ra được thì nuôi được", chị Diễm nhớ lại.
Cuộc sống khó khăn nên chị cũng chẳng có điều kiện đi siêu âm. Một lần bị va quẹt xe, sẵn được người gây tai nạn hỗ trợ nên chị siêu âm thử thì được báo tin mang song thai, rồi sau đó sinh ra hai đứa con trai kháu khỉnh.
Nuôi 4 đứa con nheo nhóc, chị Diễm đã phải đi làm khi con mới 13 tháng tuổi. Còn chồng chị - anh Phạm Nộ Hán - đi làm mướn từ trời tờ mờ sáng đến chạng vạng mới về nhà. Vậy rồi anh chị tiếp tục "vỡ kế hoạch" sinh thêm đứa con gái út thành ra nhà có đến 5 con.
"Không ai lý giải được vì sao đoạn đường này có nhiều gia đình sinh đôi. Chỉ đoán chừng có thể ăn bông súng ở hồ nước phía sau. Cách đây khoảng 10 năm thì hồ nước được san lấp trồng cây, sau đó xóm này ai mang song thai nữa", chị Diễm phỏng đoán.
Nhiều người dân thì cho rằng sinh đôi có thể do di truyền, trong đó một gia đình có hai thế hệ. Như trường hợp của anh Nộ Hán, có hai em trai út sinh đôi rồi đến vợ anh. Hai anh em song sinh Phan Văn Chiến - Phan Văn Thắng, 32 tuổi, sau khi lập gia đình năm 2008, vợ Chiến sinh hai bé gái giống nhau như hai giọt nước.
Một số gia đình sinh đôi khác có họ hàng, như trường hợp cặp An - Giang và Phước - Tài là bà con cô cậu ruột. Cặp Như - Ý và Bình - Minh cũng dòng họ với nhau. Tuy nhiên, đa số các cặp còn lại đều không có họ hàng nên lập luận sinh đôi là do di truyền cũng không được nhiều người tán đồng.
Chưa tìm được lý do, nhưng việc sinh đôi làm cho nhiều gia đình thêm "vui nhà vui cửa". Chị Tạ Thị Thu Thủy, 43 tuổi, mẹ của ba cô con gái trong đó có một cặp sinh đôi, cứ hay nựng nịu, ôm hôn các con. "Nuôi cực dữ lắm mới được bự như vầy", chị Thủy nói.
Đôi lúc chỉ nhìn phớt phía sau hai vợ chồng chị Thủy thường gọi nhầm tên. Nhìn thấy các con càng lớn càng sáng láng, học chăm ngoan, hai vợ chồng lại ham có thêm con. "Nếu sinh thêm lần nữa mà biết chắc sinh đôi tui cũng mần thêm cặp nữa nhưng vì hổng chắc nên thôi", cha của Kim Lý - Kim Yến cười cười nói.
Hay tin ấp có nhiều sinh đôi nên cũng có người xứ khác tìm đến tận nhà để "học tập kinh nghiệm". Trong khi các bà mẹ song sinh chỉ cười xoà nói do "trời cho" thì một số ông chồng vui tánh lại thêu dệt - sinh đôi là "do đàn ông ở đây". Vì đa phần các cặp đều do người mẹ ở xã khác đến xã Phước Hưng làm dâu nên: "Muốn sinh đôi thì lấy chồng ở ấp này", cha của một cặp sinh đôi nói vui.
Bà Lê Thị Bích Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết 17 trường hợp sinh đôi ở ấp Phước Khánh đều mang thai tự nhiên. Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao ấp có nhiều cặp song sinh. "Những bậc cao niên ở đây đều cho biết không ăn, uống gì đặc biệt hay khấn vái gì để sinh đôi cả", bà Thủy nói.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Hà Thị Huyền Giao, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, tỷ lệ sinh đôi trên thế giới hiện khoảng 1-1,5%, tăng gấp đôi so với 40 năm trước, một phần do kết quả việc điều trị hiếm muốn, thụ tinh trong ống nghiệm. Việt Nam trước đây tỷ lệ sinh đôi thấp hơn thế giới, nhưng hiện nay không khác mấy do đã tiếp cận và thành công trong việc điều trị hiếm muộn.
Về nguyên nhân sinh đôi tự nhiên vẫn chưa được các bác sĩ xác định rõ ràng, tuy nhiên sinh đôi phụ thuộc vào các yếu tố như: gia đình, tuổi của thai phụ, chiều cao và cân nặng, số lần sinh,... Một số yếu tố như màu da, dân tộc, thổ nhưỡng cũng được ghi nhận tăng khả năng sinh đôi nhưng không phổ biến.
Di truyền về phía mẹ nhiều hơn về phía cha, theo Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM), thai phụ có yếu tố di tuyền có tỷ lệ sinh đôi khoảng 1,66%, trong khi đàn ông chỉ chiếm 0,8%. Sinh đôi có thể di truyền bỏ qua một thế hệ, thế hệ ông bà có sinh đôi, cha mẹ sinh bình thường, nhưng thế hệ con lại sinh đôi.
Sinh đôi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mẹ và các con, được xếp vào nhóm thai kỳ có nguy cơ cao. Tỷ lệ tai biến sản khoa, tử vong chu sinh tăng cao, trong đó tỷ lệ tử vong chu sinh chiếm 14-20%.
Ngọc Tài