Chiều 17/3, trên đường Lê Văn Lương, quận Sơn Trà, hàng chục người dân đứng chờ đàn khỉ xuất hiện. Họ mang bánh mì, bánh ngọt, trái cây ném xuống đường, hay cầm cho khỉ đến lấy để chụp ảnh, quay phim. Việc này diễn ra ngay gần tấm pa nô Không cho khỉ ăn là đang cứu khỉ và chốt có hai bảo vệ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (Ban quản lý) túc trực.
Nhóm người chỉ giải tán khi chị Thanh Trúc (35 tuổi, tình nguyện viên) đến can ngăn. Chị Trúc sau đó dùng chiếc kẹp gắp những mẩu bánh mì cho vào bao, mang đến bỏ vào thùng rác cách xa bán đảo. "Nhiều tình nguyện viên khi nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn còn bị dọa đánh", chị Trúc kể.
Tình trạng người dân mang thức ăn cho khỉ ở dọc tuyến đường Hoàng Sa và đường Lê Văn Lương, quận Sơn Trà, diễn ra từ tháng 4/2020, khi thành phố giãn cách xã hội vì Covid-19 và không có du khách lên chùa Linh Ứng. Mỗi khi thấy người dừng xe, hàng chục con khỉ ùa đến xin thức ăn. Nhiều con đánh nhau để tranh giành thức ăn hoặc hù dọa người dân nếu không ném thức ăn cho chúng.
Hệ quả là đàn khỉ trên bán đảo Sơn Trà bị thay đổi tập tính, không còn vào rừng tìm thức ăn như bản năng vốn có mà xuống ven đường xin. Chúng hầu như ăn mọi thức ăn được cho, từ bánh đến nước ngọt, sữa hộp... Nhiều con bị béo phì, di chuyển chập chạp, rụng lông vì thức ăn có muối.
Nhiều nhà dân ở đường Lê Văn Lương (giáp bán đảo) đã không dám mở cửa vì sợ khỉ chạy vào nhà. Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, nói khỉ được cho ăn suốt thời gian dài khiến chúng bây giờ "ngửi thấy mùi hương là biết nhà dân cúng rằm, chạy đến lấy hoa quả, bánh ăn".
Ngoài ra, theo ông Thắng, việc người dân cho khỉ ăn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn cho khỉ và lây bệnh cho người. Đã có người đàn ông chở theo vợ con, do mải ngắm khỉ mà lao xe máy xuống hố và một con khỉ bị người chạy xe máy cán đứt lìa chân, diễn ra trong cùng một buổi chiều ở đường Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý, cho biết đã "gặp áp lực rất lớn" khi xử lý tình trạng người dân và du khách cho khỉ ăn. Số khỉ lên đến hàng nghìn, trong khi lực lượng của Ban quản lý rất mỏng và không có chuyên môn về động vật hoang dã, người dân và du khách tiếp cận khỉ ở nhiều địa điểm...
Ngày 18/3, Ban quản lý tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng này. Đây là lần đầu tiên các cơ quan từ kiểm lâm đến công an, cảnh sát giao thông, đội quy tắc đô thị và tình nguyện viên ngồi lại với nhau vì khỉ tràn xuống đường tại bán đảo Sơn Trà có dấu hiệu tăng, trong khi thành phố mở cửa du lịch trở lại và hàng nghìn du khách lên Sơn Trà mỗi ngày.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm cho biết việc cứu hộ khỉ khi bị xua đuổi gặp khó khăn vì chưa có súng bắn gây mê. Hạt trưởng Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn nói khó nhất hiện nay là không có chế tài xử phạt hành vi cho khỉ ăn. Luật chỉ quy định xử lý các trường hợp bắt, nhốt, giết hại động vật hoang dã. Trong khi đó, việc xua đuổi đàn khỉ nhiều khi bị dư luận cho là phản cảm.
Giải pháp trước mắt, đại diện nhóm tình nguyện Team 16 cho rằng nên sử dụng xe điện phát loa, tờ rơi để nhắc nhở người dân. Ngoài ra, thành phố có thể đưa nội dung không cho khỉ ăn vào các buổi chào cờ để học sinh tiếp nhận về tuyên truyền ngược lại cho cha mẹ.
Tình nguyện viên Đào Đặng Công Trung cho rằng thực tế thời gian qua các lực lượng đã tuyên truyền rất nhiều, từ trực tiếp nhắc nhở đến cắm bảng, treo pa nô cảnh báo... nhưng nhiều người đọc hiểu vẫn không làm vì tính hiếu kỳ và thể hiện tình thương động vật. "Lực lượng chức năng cần hiện diện nhiều hơn ở các khu vực thường xuyên có người cho khỉ ăn. Về lâu dài cần cắt nguồn thức ăn, khỉ đói sẽ lên lại rừng", anh Trung kiến nghị.
Nhà động thực vật học người Anh Anthony Barker nói phải cắt nguồn thức ăn của khỉ từ các thùng rác mà chúng có thể lấy được, từ hộ kinh doanh tự phát trên bán đảo Sơn Trà cho đến nguồn từ người dân và du khách cho ăn tự phát. Việc người dân cho khỉ ăn ở Sơn Trà diễn ra nhiều năm qua nên cũng cần thời gian tương ứng để đưa chúng trở về rừng kiếm ăn như bản năng vốn có. Nếu không xử lý dứt điểm, đàn khỉ tiếp tục đông lên thì sẽ phải bỏ ra chi phí rất lớn.
Khi cắt nguồn thức ăn, khỉ sẽ bị khủng hoảng tâm lý vì đói, thậm chí hung dữ hơn và có thể đi xuống đồng bằng, bãi biển tìm thức ăn, nhưng con người phải chấp nhận. Bởi nếu không thì trong tương lai hậu quả sẽ còn nặng nề hơn, thậm chí là phải sử dụng biện pháp phi nhân đạo là triệt sản chúng.
Ông Quách Hữu Sơn, Phó chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết ngoài việc tuyên truyền, cần thay thế các thùng rác khỉ có thể lấy thức ăn. Kiểm lâm cũng phối hợp với công an thường xuyên tuần tra liên tục để xử lý trường hợp làm mất an ninh trật tự và mua súng bắn gây mê để xử lý khỉ vào khu dân cư.
Đội trưởng Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, ông Nguyễn Trần Ban, đề xuất lắp một số camera hoặc phía công an chia sẻ dữ liệu từ camera đã lắp phục vụ Hội nghị APEC năm 2017 ở một số tuyến đường chính; đồng thời lắp thêm hệ thống loa phóng thanh, nếu phát hiện người cho khỉ ăn thì thông báo bằng loa để can thiệp kịp thời.