Một phụ nữ làm việc tại New York bị bộ phận nhân sự nhắc nhở hồi tháng 8 vì không bật camera trong cuộc họp từ xa. Cô tiếp tục nhận thêm cảnh báo không lâu sau đó với lý do tương tự.
"Tôi họp cùng 15 đồng nghiệp và được yêu cầu bật camera, với lời giải thích rằng đó là chính sách và sẽ là một phần văn hóa của công ty từ bây giờ", người phụ nữ giấu tên cho biết. Cô không muốn xuất hiện trước ống kính, dù là chụp ảnh hay quay video. Sau đó, cô có giấy xác nhận từ bác sĩ về chứng lo âu khi ở trước camera.
Người phụ nữ này vẫn được yêu cầu bật camera, nhưng công ty cho phép ngồi ngoài khung hình và chỉ để lộ vai. Điều này khiến cô còn khó xử hơn và cô đang đi tìm công việc mới.
Đây không phải trường hợp duy nhất phải vật lộn trong trạng thái bình thường mới với hàng loạt cuộc gọi video mỗi ngày. Lydia Mack, người viết quảng cáo ở Los Angeles, cho biết luôn tắt webcam khi họp với đồng nghiệp và khách hàng để tập trung hơn. Tuy nhiên, cô thừa nhận. "Nếu đó là cuộc họp nhóm và tôi là người duy nhất tắt camera, mọi người có thể đặt dấu hỏi liệu tôi có đang tham gia cuộc họp hay không".
Sau khi Covid-19 bùng phát, các dịch vụ như Zoom, Webex, Microsoft Teams và Google Meet không còn giới hạn trong các cuộc họp và lớp học trực tuyến, mà đã mở rộng ra những bữa tiệc, lễ nhà thờ, họp câu lạc bộ sách và hẹn hò online.
Dù vậy, khi lệnh phong tỏa tiếp tục kéo dài, ngày càng nhiều người trải qua hội chứng cạn kiệt sức lực vì họp online, gọi là "mệt mỏi vì Zoom". Allison Gabriel, giáo sư tại Đại học Arizona ở Mỹ, công bố nghiên cứu cho thấy tắt camera khi họp giúp nhân viên đạt năng suất công việc cao hơn vì họ có thể tập trung vào nội dung, trái với suy nghĩ rằng người không mở camera có thể đang làm những thứ không liên quan tới công việc.
Tuy nhiên, nhiều người lại chia sẻ, họ thấy dễ tập trung và kết nối với các đồng nghiệp hơn khi bật và trò chuyện qua camera.
Tìm kiếm giải pháp
Một số doanh nghiệp như Citygroup, Dell và Đại học New York áp dụng chính sách như "ngày thứ sáu không Zoom", khuyến khích mọi người họp qua email hoặc điện thoại. Một số trường đại học cũng không bắt buộc giảng viên và sinh viên bật webcam trong giờ học, cho biết đó là tùy chọn của mỗi người.
"Sinh viên học trực tuyến ở nhiều môi trường khác nhau, đòi hỏi bật camera sẽ chỉ phóng đại sự khác biệt về xã hội và kinh tế. Tôi không cho rằng tắt webcam sẽ gây mất tập trung, nhưng cũng thật cô đơn khi nói trước màn hình đầy những ô chữ nhật tĩnh lặng", Julia Raz, giảng viên ngành truyền thông tại hai trường cao đằng ở California, cho hay.
Jeremy Bailenson, giáo sư tại Đại học Stanford, cho rằng nhà quản lý nên xếp các cuộc họp vào hai nhóm. Đầu tiên là những sự kiện cần thấy mặt tất cả mọi người, sau đó là các cuộc họp chỉ cần chia sẻ màn hình máy tính và giọng nói của người tham gia.
Một số nền tảng như Zoom cũng đã triển khai công cụ mới, hỗ trợ môi trường làm việc hỗn hợp và giảm áp lực và hội chứng mệt mỏi do họp online. Trong đó có tính năng bảng trắng để mọi người tập trung vào nội dung làm việc, thay vì khuôn mặt của những người trong phòng họp.
Điệp Anh (theo CNN)