Từ những năm 1970, không chính phủ nào của Pháp cân bằng được ngân sách. Vì thế, nợ công nước này tăng qua từng năm, vốn được giới hạn ở mức 30% GDP vào năm 1984, giờ đã vượt hơn 113% GDP, thuộc hàng cao nhất châu Âu.
"Có vô số lý do đáng lo ngại về (tình hình Pháp). Tuy nhiên, có một lý do nổi lên rõ ràng: tình trạng nợ nần chồng chất của đất nước chúng ta", Thủ tướng Pháp François Bayrou nói trước quốc hội hôm 13/1.
Theo thông tin của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), tính đến quý III/2024, tổng nợ của nhà nước, chính quyền địa phương và an sinh xã hội nước này tăng 71,7 tỷ euro, đưa quy mô nợ công lên kỷ lục 3.300 tỷ euro.
Núi nợ công cao thêm dẫn đến gánh nặng trả lãi lớn hơn. Giữa thập niên 80 đến năm 2020, lãi suất trả nợ công của Pháp giảm đều đặn, từ trên 10% xuống 0% và thậm chí từng xuống mức âm. Nhưng khi Covid-19 kết thúc và kinh tế toàn cầu phục hồi, lãi suất tăng trở lại, đặc biệt từ đầu tháng 12/2024.
Hôm 13/12, thời điểm ông Bayrou được bổ nhiệm làm Thủ tướng, lãi suất nhà đầu tư quốc tế yêu cầu trên các khoản vay 10 năm của Pháp còn dưới mức 2,9%. Tuy nhiên, đến cuối tuần trước, con số này đã lên gần 3,45%.
Chính phủ đã đoán trước tình hình nhưng nếu lãi vay vượt qua dự kiến, Pháp sẽ phải dành thêm ngân sách để trả nợ. Trong dự thảo ngân sách được trình bởi cựu Thủ tướng Michel Barnier, chi phí trả lãi ước khoảng 54,9 tỷ euro vào 2025, tương đương 11% chi tiêu chính phủ.
Bộ Tài chính tính toán, cứ tăng một điểm phần trăm lãi suất - ví dụ từ 3% lên 4% -chi phí trả nợ tăng thêm 3,2 tỷ euro trong năm đầu tiên và khoảng 19 tỷ euro vào năm thứ 5. "Trong năm nay, chi phí trả lãi sẽ lớn hơn ngân sách của Bộ Giáo dục Pháp," François Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, cảnh báo hôm 8/1.
Có hai lý do chính khiến lãi vay nợ công của Pháp tăng. Đầu tiên là xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Thậm chí, xu hướng này khó hạ nhiệt đáng kể bởi chương trình nghị sự bảo hộ của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khiến lạm phát có nguy cơ quay lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn hơn là do bất ổn chính trị của chính nước này. Kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron giải tán quốc hội vào ngày 9/6/2024, nhiều hoạt động bị đình trệ. Với việc không có kế hoạch ngân sách và tiết kiệm, kết hợp với thâm hụt ngoài tầm kiểm soát, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế ngày càng lo ngại.
Nhà đầu tư cảm nhận được tình hình và cho rằng Pháp là người đi vay kém tin cậy hơn, dẫn đến yêu cầu tăng lãi suất. Thậm chí lãi suất mà nước này trả còn cao hơn cả mức mà Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay thậm chí Hy Lạp - quốc gia từng đứng trên bờ vực phá sản vào giữa những năm 2010 - phải chịu.
Tuần này, phần bù rủi ro trên nợ công của Pháp - được đo bằng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức, giao dịch gần mức cao nhất trong hơn 12 năm. Nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại về bất ổn chính trị và thâm hụt ngân sách công ngày càng tăng, theo Reuters.
Ông Christopher Dembik, cố vấn chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management (Thụy Sĩ) cho rằng đây không phải cuộc khủng hoảng đột ngột mà là đi xuống dần. "Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hiện vẫn còn khá khoan dung. Nhưng cuối cùng, họ có thể xếp nợ công của Pháp vào hạng trung bình. Nhiều tổ chức tài chính khi đó sẽ phải xem xét kỹ hơn và yêu cầu lãi suất cao hơn", ông cảnh báo.
Theo chuyên gia này, không loại trừ kịch bản Pháp rơi vào tình huống giống Anh, nơi từng bị thị trường buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. "Chúng ta có thể chưa thấy điều tồi tệ nhất", Christopher Dembik nói. Ông dự báo lãi suất có thể đã tăng cao hơn nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu không tiếp tục mua nợ công của Pháp vào tháng 12 tới.
Hôm 13/1, Thủ tướng Pháp François Bayrou cho biết các quyết định ngân sách quan trọng là một trong các ưu tiên hàng đầu của ông sau một tháng được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm.
Ông Bayrou đang cần khẩn cấp thông qua dự luật ngân sách cho năm 2025. Khi chính phủ trước sụp đổ vào ngày 13/12, một luật khẩn cấp đã được thông qua để đảm bảo nhà nước có thể tiếp tục thu thuế từ ngày 1/1/2025 nhằm duy trì hoạt động cơ bản và tránh tình trạng đóng cửa.
Tuy nhiên, luật khẩn cấp này chỉ là giải pháp tạm thời. Việc thông qua một ngân sách chính thức cho năm này là cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách và đáp ứng các yêu cầu chi tiêu quan trọng, như tăng cường quốc phòng trong bối cảnh chiến xung đột ở Ukraine.
"Kể từ sau chiến tranh, Pháp chưa bao giờ trong lịch sử lại mắc nợ nhiều như hiện nay. Tôi khẳng định rằng không thể thực hiện bất kỳ chính sách phục hồi và tái thiết nào nếu không tính đến tình trạng nợ nần chồng chất của chúng ta và nếu không đặt ra mục tiêu kiềm chế và giảm nợ nần", ông François Bayrou cảnh báo.
Các thị trường tài chính, các cơ quan xếp hạng tín dụng và Ủy ban châu Âu cũng đang thúc giục Pháp tuân thủ các quy định của EU về giới hạn nợ công, nhằm kiểm soát chi phí vay mượn và đảm bảo sự thịnh vượng của eurozone. Theo Hiệp ước Maastricht và Hiệp định Ổn định và Tăng trưởng (Stability and Growth Pact - SGP) mà Pháp từng tham gia xây dựng, các quốc gia thành viên phải giữ tỷ lệ nợ công dưới 60% GDP.
Vào 2024, thâm hụt ngân sách của Pháp ước tính 6% GDP. Thủ tướng François Bayrou đã tuyên bố mục tiêu giảm thâm hụt xuống 5,4% trong năm 2025 và tiếp tục giảm xuống 3% - mức quy định của EU - vào năm 2029.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters, AP)