Ông Trương Vĩnh Thọ, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Da giày Sunhyun Vina khẳng định, áp lực của ngành vận chuyển container luôn luôn có. Chủ hàng gây áp lực lên chủ xe, chủ xe thúc ép tài xế để buộc giao hàng đúng giờ, đúng ngày. Ví dụ, hôm nay công ty lên kế hoạch cho chuyến tàu ngày mốt khởi hành thì hạn chót đưa hàng vào cảng phải là trưa mai. Như vậy, ngay trong đêm nay hoặc muộn nhất sáng mai, tài xế có trách nhiệm chạy hàng để kịp giao.
"Chuyến hàng cần 10 container, chủ xe dùng 5 ôtô đầu kéo thì đơn giản mỗi tài xế chạy 2 vòng; nhưng nếu chỉ có 2-3 xe thì áp lực quay vòng của tài xế chắc chắn sẽ tăng lên cho kịp thời hạn giao hàng lên tàu", ông Thọ nói.
Mặt khác, do chi phí đầu tư cho xe container cao (một ôtô cũ giá đã 1,6-1,7 tỷ đồng, xe mới thì 3-4 tỷ đồng), chủ xe đều tính toán sao cho số vòng quay cho các chuyến đi được nhiều nhất để mang về lợi nhuận.
Tài xế container tranh nhau đi lấy hàng. Ảnh: C.H. |
Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Trần Việt Hùng, quản lý mảng vận tải Công ty TNHH giao nhận vận tải và thương mại Công Thành cũng thừa nhận những đơn vị có ít xe sẽ phải chịu áp lực giao hàng lớn.
"Nếu không có xe chờ sẵn, chỉ cần chủ hàng yêu cầu vận chuyển một container từ Đồng Nai về cảng Cát Lái gấp thì doanh nghiệp vận tải có khi phải điều xe từ TP HCM hay ở nơi khác lên Đồng Nai để chở hàng. Với thời gian ít ỏi, chắc chắn tài xế phải chạy cho nhanh mới kịp", anh Hùng phân tích.
Doanh nghiệp Công Thành hiện có khoảng 100 xe container, chạy các tuyến Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An... Tài xế thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng một tháng và không có lương khoán.
Tuy nhiên, trường hợp không khoán cho tài xế như Công Thành rất ít, hầu hết doanh nghiệp hay chủ xe tư nhân đều áp dụng chế độ khoán cho lái xe. "Trong giao nhận hàng hóa hiện nay, ngoài áp lực đúng giờ giấc thì chính mức khoán một ngày phải đi bao nhiêu chuyến đòi hỏi lái xe phải ngồi sau tay lái liên tục, rất dễ gây tai nạn", ông Nguyễn Hùng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas) khẳng định.
Nói về điều này, đại diện Hợp tác xã Thương Nghiệp thừa nhận thực trạng những tài xế thu nhập theo lương khoán thường lái xe bạt mạng để giành giờ. Thêm nữa, với hình thức hợp tác xã, chủ xe đăng ký pháp nhân (đóng 200.000 đồng tháng gọi là phí quản lý) cho hợp tác xã rồi tự ý nhận hợp đồng, điều xe cũng góp phần tạo nên thực trạng bát nháo của ngành kinh doanh vận chuyển xe container.
"Gọi là quản lý nhưng hầu như chủ xe muốn làm gì thì làm, có khi chủ có chừng 2-3 xe nhưng nhận nhiều hợp đồng, khoán luôn cho tài xế, không ai quản lý được", đại diện HTX Thương Nghiệp thừa nhận.
Vấn đề giao thông cũng là nỗi ám ảnh của giới tài xế. "Xe container thường bị kiểm soát giờ chạy vào nội thành, hạ tầng giao thông còn kém, đường chật người đông khiến lái xe phải tranh giành nhau để chạy", ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết.
Theo ông Chung, một ví dụ rõ nhất về các vấn đề giao thông đang gây áp lực cho tài xế là quyết định mới nhất vào ngày 22/10 của UBND TP HCM hạn chế giờ lưu thông của ôtô vận tải (trong đó có xe container). Cụ thể, chỉ một số tuyến đường nội thành cho phép xe tải nặng hoạt động, thời gian hạn chế từ 24h đêm đến 6h sáng hôm sau như tuyến Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng, một số tuyến chạy từ 9h sáng đến 16h chiều.
"Hiện rất nhiều kho hàng nằm trong khu vực nội đô thành phố nên vẫn còn hàng nghìn lượt xe vận tải ra vào mỗi ngày; còn các bãi xe tải thường ở ngoại thành. Quy định chỉ cho xe tải nặng lưu thông từ 24h đêm đến 6h sáng hôm sau là bài toán khó cho doanh nghiệp vận tải trong việc giao nhận hàng hóa, tạo thêm áp lực lên tài xế", ông Chung phân tích.
Thiếu tài xế bằng FC để lái xe hạng nặng chở container cũng là nguyên nhân khiến ngành vận chuyển gặp khó. Hiện nay TP HCM có khoảng 9.000 đầu xe container, so với nhu cầu là không đủ, thiếu khoảng 10-15%. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm tài xế container.
Song theo giới kinh doanh vận tải, những áp lực trên chỉ là một phần gây nên hiện tượng lái xe chạy ẩu, chạy nhanh. Nguyên nhân gây tai nạn còn xuất phát từ thái độ, ý thức, đạo đức của các "bác tài", đơn cử như tài xế xe chở container giao tay lái cho người phụ gây nên tai nạn thảm khốc hôm 7/11.
"Trong giới lái xe, tiêu chuẩn nghề nghiệp, các chuẩn mực cho lái xe chưa được quan tâm đầy đủ, đạo đức cần xem lại. Đây là vấn đề tương đối nhức nhối. Về lâu dài cần phải thanh lọc lại đội ngũ tài xế", ông Nguyễn Hùng góp ý.
Kiên Cường