Tiến, 27 tuổi, nhân viên một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội, bắt đầu ngày làm việc lúc 7h sáng và rời khỏi công ty lúc 8h tối. Sau bữa tối, tắm rửa, anh ôm máy tính làm thêm đến gần 3h sáng.
Tiến lập gia đình năm ngoái, có con ba tháng tuổi. Anh đặt mục tiêu phải có nhà, có xe và cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Ngoài công việc ở công ty, Tiến tận dụng mọi thời gian để làm thêm nên thu nhập có thời điểm lên 40 triệu đồng, dù lương ở công ty chỉ 10 triệu đồng.
"Thời nay, tiền bạc là thước đo thành công. Nếu không nỗ lực từ khi còn trẻ thì đến bao giờ mới có tiền", anh nói.
Đức Tiến không phải cá biệt. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, viện Social Life từng có nghiên cứu cho thấy 59% người trẻ cho biết họ lo lắng về tài chính, 55% lo lắng về tạo dựng sự nghiệp. Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cũng cho kết quả 80% nam giới Việt cảm thấy áp lực về tài chính, 70% không hài lòng với công việc.
Trước đây, người trẻ lựa chọn công việc nhắm đến sự đặc biệt, tính trách nhiệm hay ý nghĩa công việc. Ngày nay, tiêu chí hàng đầu của họ là thu nhập và số giờ làm việc. Các nhóm nghiên cứu đều nhận thấy, áp lực kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, song lại gia tăng theo trình độ học vấn và thời gian làm việc.
Ông Lộc cho rằng trong nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng tân tự do, tính trách nhiệm cá nhân được đề cao, nghĩa là thành công hay thất bại đều quy về cá nhân. Một người tài giỏi hay không, giàu có hay không là do cá nhân người đó cố gắng hay không chứ không phải do cấu trúc xã hội. Chính quan niệm niệm này, cá nhân con người bị kéo vào vòng xoáy "tự giao nộp tự do cá nhân" cho lao động việc làm thông qua cuộc mưu sinh.
Trào lưu văn hóa tiêu dùng, cơ thế thị trường đã hình thành một lối sống đề cao giá trị kim bản vị (đề cao tiền bạc), khiến tài chính trở thành thước đo thành công.
"Trong bối cảnh đó, người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy phải phấn đấu, phải nỗ lực hết mình để kiếm tiền, dẫn đến áp lực ghê gớm", ông Lộc giải thích.
Đức Tiến thừa nhận mình bị cuốn vào vòng xoáy không thể thoát ra. Thu nhập càng tốt, chi phí anh cần cho sinh hoạt gia đình lại tăng, buộc Tiến phải "cày cuốc" thật nhiều. "Nếu trong tháng không có 3-4 dự án để tăng thu nhập, tôi bồn chồn không yên. Có dự án, thì tôi lại mất ngủ triền miên, ôm máy tính đến 18-20 giờ một ngày", anh nói.
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho rằng, áp lực thành công với người trẻ ngày nay lớn hơn trước kia, do họ "sinh ra đã ở vạch đích". Thế hệ 7X, 8X sinh ra trong thời chiến hoặc bao cấp đói nghèo nên có xuất phát điểm tương đương nhau. Trong khi đó, Gen Z bị đòi hỏi phải đạt được thành tựu hơn hẳn người khác. "Trong xã hội ngày nay, đất nước đã ổn định và phát triển, để tạo ra thành tựu không hề dễ. Chính vì vậy, họ loay hoay giữa đời, không biết mình cần phải làm gì", bà Hương nói.
Thúy Quỳnh, 23 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội mất một năm loay hoay rồi tự nhận mình bất tài. "Bố mẹ xem tôi như một sản phẩm lỗi của gia đình", cô nói. Ông bà, bố mẹ cô đều là chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Anh trai cô cũng vừa đậu nội trú Đại học Y Hà Nội, trong khi Quỳnh luôn học hành ở mức trung bình.
Cô trầy trật mãi mới thi đậu vào một đại học hạng trung trong nỗi thất vọng của bố mẹ. Ra trường, Quỳnh nộp hồ sơ khắp nơi vẫn chẳng có được mức thu nhập như ý. Bị cả gia đình chê trách, bản thân kiệt sức vì nỗ lực không thành, Quỳnh bỏ cuộc, nằm lì ở nhà nửa tháng nay.
Những áp lực gia đình dồn lên Thúy Quỳnh, theo bà Vũ Thu Hương, do xã hội Việt Nam ngày nay đã hình thành văn hóa so bì, mỗi cá nhân luôn muốn giành một vị trí nào đó. Giáo dục trước đây đề cao lý tưởng sống, kêu gọi thanh niên "giúp sức xây dựng đất nước", "làm giàu cho quê hương"... nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng nó có những giá trị thật là luôn đặt cho thanh niên câu hỏi "tôi sinh ra làm gì? Tôi sẽ làm được việc gì".
Đa phần người trẻ bây giờ không còn được dạy về lý tưởng sống nên khi bị đòi hỏi thành tựu, như Thúy Quỳnh, họ không biết cần làm gì.
Đức Tiến thừa nhận, anh chỉ xem công việc là công cụ để kiếm tiền nuôi sống gia đình, giúp vợ con hạnh phúc. "Hoàn thành nhiệm vụ được giao là đóng góp cho xã hội rồi", anh lý giải. Tiến cho rằng nếu chỉ "làm để cống hiến" thì kinh tế gia đình không khá lên được.
PGS Nguyễn Đức Lộc cho rằng khi áp lực mưu sinh bao trùm các khía cạnh cuộc sống, người trẻ chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi, thiếu tương tác xã hội, mọi thứ trong đời sống đều bị quy về giá trị kinh tế.
Quê nhà cách Hà Nội hơn 100 km, nhưng Đức Tiến chỉ về quê khoảng hai lần trong năm. Những dịp quan trọng như cưới người thân, giỗ ông nội... anh cũng không về được vì bận. Thay vì có mặt, anh gửi tiền mừng, biếu. Tiến không đi du lịch, từ chối các cuộc gặp gỡ bạn bè, chỉ có hai điểm đến duy nhất là nhà và công ty.
Vợ Tiến từng hỏi chồng "tiền có ý nghĩa gì khi con chẳng có một khoảnh khắc bên bố, vợ chồng chẳng mấy khi được ăn cơm tối cùng nhau". Cô cũng khuyên anh dành thời gian nghỉ ngơi, thể dục để không "làm bục mặt lại lấy tiền đó mua thuốc". Tiến hứa cân nhắc, nhưng nghĩ đến mục tiêu có nhà, có xe, anh lại bị cuốn theo, không thoát ra được.
Theo phó giáo sư Lộc, người trẻ bận rộn kiếm tiền nên sẽ ngại kết hôn, lười sinh con hơn. Chị Nguyễn Thị Thương, 32 tuổi, ở TP HCM, là một trong số đó. Chị có thu nhập chính khoảng 20 triệu đồng, thu nhập từ làm thêm cũng hơn 15 triệu đồng. Mỗi ngày, Thương làm việc từ 7h sáng đến nửa đêm.
"Sự nghiệp đang lên, tôi không muốn bỏ lỡ", chị nói. Cũng vì bận công việc, chị chẳng có thời gian yêu đương, không có ý định kết hôn. "Ngày xưa người ta có tâm lý sinh con để nhờ con. Bây giờ rất nhiều dịch vụ chăm sóc người già sống một mình, chỉ cần có tiền làm ổn hết", chị tự nhận định.
Vợ Đức Tiến cũng tuyên bố với chồng không muốn sinh con thứ hai.
Áp lực thành công khiến người trẻ rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nghiên cứu "Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) năm 2020 cho thấy, khi bị những thứ như áp lực tài chính, sự nghiệp đè nặng, gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử. Tỷ lệ này là 5,4% (cao nhất) trong nhóm 18-29 tuổi.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, dạy cho người trẻ về lý tưởng sống, mục tiêu sống vô cùng quan trọng. "Cha mẹ đừng đòi hỏi con mình đứng ở vị trí nào mà nên hỏi con muốn đóng góp gì cho đất nước này. Khi có định hướng, họ sẽ biết cách lựa chọn mục tiêu. Dù nhỏ thôi, như thay đổi ý thức vứt rác của một cụm cư dân, giúp được những người khó khăn đỡ khổ hơn, cũng được gọi là thành công rồi", bà phân tích.
Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con trải nghiệm nhiều hơn. Khi được trải nghiệm, người trẻ sẽ hiểu có nhiều kiểu sống trên đời và tiền không phải thứ duy nhất làm nên thành công. Điều quan trọng là con người biết chọn kiểu sống nào để hạnh phúc và vui vẻ.
Dù người thân khuyên nhủ, vợ động viên, Đức Tiến vẫn chưa thể thoát ra khỏi vòng xoáy công việc. Mỗi sáng, tiếng chuông báo thức vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ của anh, mà của vợ và đứa con hay giật mình.
Phạm Nga
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.