Khi còn là sinh viên đại học ở New York, Marina Muhui Zheng thường về nhà ở New Jersey (Mỹ) để ăn đồ mẹ nấu. Mẹ cô là một đầu bếp, bà luôn cho rằng một bữa ăn hoàn chỉnh phải có đủ chất đạm, rau củ, canh và cơm.
Zheng nhớ về các món ăn đặc trưng của Thượng Hải như thịt ba chỉ kho tàu, bánh rán và cua lông ăn kèm với thịt được mẹ bày trên bàn. Những món cô cho rằng có thể chữa lành mọi vết thương tâm hồn, khi được thưởng thức.
Ngày bé Zheng rất gầy. Cô có thể ăn mọi thứ không cần lo tăng cân. Bạn bè đều ngưỡng mộ vì Zheng ăn hoài không béo. Nhưng mọi chuyện thay đổi vào năm cuối đại học, khi cô 21 tuổi. Việc ăn uống vô độ và lười vận động khiến cô tăng cân, những bộ quần áo rộng thùng thình nay chật ních. Nhưng điều kinh khủng nhất là cô không còn gầy nhất phòng ký túc xá.
"Tôi lao vào giảm cân, ép buộc bản thân không được ăn nhiều. Tôi từ chối tất cả những món ăn mẹ nấu và gần như không ăn cơm vì muốn thân hình chuẩn, gương mặt xinh đẹp", Zheng, hiện là quản lý tại công ty phát triển thương hiệu Saboteur có trụ sở tại London, kể.
Lisa Lee, chủ bút của tạp chí Hyphen, kể lại cuộc đấu tranh của bản thân với hình ảnh cơ thể trên đài phát thanh National Public Radio vào năm 2011. "Tôi có thân hình to hơn mọi người trong gia đình. Và có lẽ là to lớn nhất trong số tất cả anh chị em họ. Mẹ luôn tự hào về việc chỉ mặc quần áo số 0 khi bằng tuổi tôi. Tôi không cho rằng mặc quần áo size 10 là điều ghê gớm. Nhưng đối với người khác, chúng rất quan trọng", Lee nói.
Giống Lee, Zheng nói rằng tăng cân không quá quan trọng, nhưng không đạt được thân hình lý tưởng của người châu Á là điều tồi tệ.
Từ xa xưa, phụ nữ châu Á được miêu tả trên các phương tiện truyền thông đại chúng là kiểu người "mỏng manh, yếu đuối và luôn gầy". Những định kiến này được củng cố bởi mô tả của đàn ông Châu Á. Trong một bài báo đăng tải trên tạp chí thời trang Variety, hai tác giả Grace Kao và Peter Shinkoda viết: "Nếu như người châu Á được coi là trầm lặng và dễ chịu thì phụ nữ Mỹ gốc Á lại cực kỳ nữ tính, trong khi đàn ông Mỹ gốc Á bị tước bỏ nam tính".
Tư tưởng này càng làm méo mó hình ảnh phụ nữ châu Á trong mắt người khác và cả chính họ. Nữ giới ở thế hệ trước được nhận xét có dáng mảnh mai, thế hệ sau phải đối mặt với áp lực phải gầy hơn, để có cảm giác là phụ nữ. Tâm lý này khi đặt trong nền văn hóa lấy ẩm thực làm trung tâm, dễ dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh.
Trong khi chứng rối loạn ăn uống thường liên quan đến các nền văn hóa phương Tây, đặc biệt là phụ nữ da trắng, trẻ tuổi, giàu có và học thức, thì các nghiên cứu của Hiệp hội Rối loạn ăn uống Mỹ (NEDA) chỉ ra, ám ảnh về việc ăn kiêng có xu hướng đi kèm với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Điều này có nghĩa, khi các quốc gia châu Á càng trở nên giàu có hơn, số người ăn kiêng gia tăng.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng biếng ăn tăng gấp 4 lần trong giai đoạn năm 1990-2010. Tính đến năm 2014, tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống của sinh viên đại học ở Trung Quốc gần như ngang bằng với các nước phương Tây. Nghiên cứu dịch tễ học hai giai đoạn về tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống ở nữ sinh viên đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc năm 2009 cho thấy, việc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân trở nên phổ biến hơn ở nữ sinh. 43% trong số đó có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, chứng rối loạn ăn uống và sức khỏe tâm thần nói chung vẫn là điều cấm kỵ, ít được chia sẻ trong cộng đồng. Việc từ chối chia sẻ cởi mở về sự nguy hiểm của điều này đã âm thầm giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm.
Còn Zheng, cô mất nhiều năm để sửa thói quen ác cảm với đồ ăn bởi áp lực phải gầy. Để cân bằng cuộc sống, Zheng đang tập thói quen không hoảng sợ khi lên cân. Cô bắt đầu quan tâm và nạp nguồn dinh dưỡng cần thiết vào cơ thể.
"Khi so sánh bản thân với người khác tôi dần thấy thoải mái hơn khi biết cơ thể mình có vẻ đẹp riêng. Còn những hình mẫu cơ thể được coi là chuẩn mực đều ngoài tầm với", cô nói.
Minh Hằng (Theo Sixthtone)