Bệnh nhi đang thở máy, chỉ số SpO2 rất thấp, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch, tràn khí. Bác sĩ Toản chỉnh máy móc còn điều dưỡng Quách Thành Tài vừa sát trùng, vừa luồn kim tiêm vào cánh tay nhỏ bé của bệnh nhân.
"Bé có tiền sử chậm phát triển tâm thần vận động, viêm phổi adenovirus nặng, phổi tổn thương lan tỏa có nguy cơ hoại tử, tràn dịch", bác sĩ Toản cho biết, thêm rằng những trường hợp này cần theo dõi sát sao, chỉnh thuốc vận mạch liên tục.
Em bé đang điều trị tại phòng 304 khu hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày 19/11, gần 20 em bé mắc adenovirus nặng đang điều trị tại đây, nằm im lìm, ngực phập phồng thở theo máy. Không ồn ào như các phòng bệnh khác có bố mẹ chăm sóc, khu vực này chỉ có tiếng máy móc hỗ trợ sự sống kêu tít tít.
Giường bên cạnh bệnh nhi trên, bé gái gần hai tuổi, có tiền sử động kinh, bại não, cũng đang chống chọi với sự tấn công của adenovirus. Thỉnh thoảng trong cơ mê, đôi tay bé rung giật, đưa lên cao rồi lại hạ xuống. Các bác sĩ phải dùng thuốc chống động kinh để cải thiện tình trạng co giật.
Tổng số ca bệnh viện tiếp nhận từ đầu năm đến nay là hơn 3.000 trẻ, 9 bé tử vong. TS. BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị Tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tỷ lệ trẻ mắc adenovirus nặng năm nay tăng cao so với những năm trước, nguyên nhân chưa được xác định rõ.
Dù vậy, ông Nam nhận định có thể sau Covid-19, trẻ đến trường, giao lưu xã hội nhiều khiến tỷ lệ mắc adenovirus cao hơn. Ngoài ra, các bé cũng đồng nhiễm một số vi khuẩn khác, hệ miễn miễn dịch suy giảm khiến mức độ nặng tăng cao.
"Số ca nặng tăng cao khiến áp lực của các nhân viên y tế tăng lên gấp bội, nặng nề hơn đợt dịch Covid-19", điều dưỡng Tài chia sẻ. Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 43-45 bệnh nhân mắc adenovirus nặng, trong đó 20-30 trẻ phải thở máy và thở oxy, trong khi trước đó chỉ vài ca.
Theo anh Tài, hiện khoa có 9 bác sĩ và 18 điều dưỡng. Một bác sĩ, 5 điều dưỡng phụ trách 50 bệnh nhân, trong đó 10-15 trẻ thở máy trong mỗi tua trực. Như vậy, ba điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thở máy, hai điều dưỡng còn lại chăm sóc 20 trẻ thở oxy và 10 em tự thở.
"Y bác sĩ ở đây ốm cũng không dám nghỉ vì nhân lực mỏng, một người nghỉ thì 4 người còn lại sẽ rất vất vả", điều dưỡng Tài nói và thêm rằng khoa liên tục đề xuất bổ sung nhân lực để nâng cao chất lượng điều trị.
Việc chăm bệnh nhi hoàn toàn phụ thuộc vào nhân viên y tế do người nhà không được vào. Điều dưỡng vừa vệ sinh thân thể, cho ăn uống, thay bỉm, hút đờm dãi, tiêm thuốc..., cũng như luôn túc trực cùng các bác sĩ để theo dõi, điều trị sát sao.
Bên cạnh đó, tình trạng các bé diễn biến rất nhanh, có thể oxy, mạch đang tốt nhưng đột ngột giảm, lằn ranh sinh tử mong manh. Lúc này toàn bộ ê kíp dồn vào cấp cứu, trước tiên là can thiệp hô hấp, đảm bảo thông thoáng đường thở, không để bệnh nhi gắng sức, suy hô hấp sẽ ảnh hưởng não.
"Nhiều lúc chưa xử lý xong ca này, thì ca khác nặng lên, phải huy động nhân viên y tế buồng khác tới để hỗ trợ. Đó là việc như cơm bữa", điều dưỡng Tài nói.
Nhân viên buồng trực thở máy thường xuyên ăn trưa vào lúc 14h-15h, mỗi bữa vẻn vẹn trong 5 phút. Nhịp sinh hoạt và làm việc như trên khiến nhiều nhân viên y tế bị đau dạ dày, một điều dưỡng chia sẻ.
Nhiều y bác sĩ ở đây cũng không có thời gian cho gia đình. Như quê anh Tài cách viện 40 km, nhưng ba tháng nay người đàn ông chưa về thăm bố mẹ. Gia đình có nhắc nhưng anh chỉ biết nhắn lại "bệnh nhân đông, con bận trực cả cuối tuần".
Một trong những nỗi đau làm nặng lòng các nhân viên y tế là sự ra đi của bệnh nhi kém may mắn. Hôm 17/11, em bé hai tuổi ở Hà Nam đã không qua khỏi sau ba tuần điều trị do tổn thương não nặng, gia đình xin đưa trẻ về nhà để lo hậu sự. Trước khi trao em bé cho bố mẹ, điều dưỡng sẽ loại bỏ dây dợ trên cơ thể, tắm rửa và thay quần áo mới cho trẻ.
Lúc mới vào nghề, anh Tài rất ám ảnh khi là người cuối cùng rút ống thở nhưng trách nhiệm công việc không cho phép tâm trí anh được ngổn ngang.
"Nhiều người không hiểu nói điều dưỡng vô cảm nhưng không phải vậy, chúng tôi buộc phải thao tác nhanh để còn dành thời gian chăm sóc các bé nặng khác. Nếu cứ đứng đó buồn hàng tiếng đồng hồ thì thời gian đâu mà chăm sóc các bé còn lại", điều dưỡng Tài nói.
Giữa khó khăn chồng chất, điều khiến các nhân viên y tế trụ lại với nghề là những lần hồi sinh được một mạng người trước cửa tử. Như một bệnh nhi 3 tháng tuổi, virus tấn công khiến phổi trắng xóa, gia đình đã xem giờ đưa bé về nhà. Đánh giá cơ hội sống của bé mong manh, nhưng các bác sĩ vẫn động viên người nhà cho bệnh nhi tiếp tục điều trị. Cuối cùng, sau một tháng thở máy, bé đã chuyển biến tích cực, được chuyển sang buồng thường ghép với mẹ, hôm 19/11.
"Nhiều lúc mệt mỏi, muốn bỏ nghề nhưng lại lựa chọn tiếp tục chiến đấu vì yêu nghề, yêu trẻ con", anh Tài tâm sự.
Lê Nga